Nhiều chính sách ưu đãi mới đối với người có công với cách mạng
(Dân trí) - Ngày 28/4, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo các nghị định hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020.
Dự và chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cùng đại diện lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH các tỉnh phía Bắc.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan, cho biết: "Ngày 9/12/2020, tại Phiên họp thứ 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021. Pháp lệnh sửa đổi năm 2020 bao gồm 7 chương và 58 Điều".
Theo Thứ trưởng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã bổ sung các nguyên tắc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng theo tinh thần Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng như: Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng, bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú...
Pháp lệnh cũng đã bổ sung một số đối tượng người có công với cách mạng như: Người bị địch bắt tù đày, bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi về chính sách bảo hiểm y tế đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không còn điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.
"Ngoài ra, Pháp lệnh đã chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng. Chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân được tập hợp để quy định một cách thống nhất, rõ ràng" - Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhận định.
Đóng góp ý kiến xây dựng Nghị định, bà Hà Thị Thanh Lê, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, các nội dung liên quan đến thủ tục hành chính trong việc cấp hồ sơ cho người có công cần được đưa ra các mục cụ thể để giải quyết những vướng mắc về việc cấp lại hồ sơ bị mất hoặc thất lạc bởi các lý do khách quan như hỏa hoạn, bão lũ, thiên tai…
Theo bà Hà Thị Thanh Lê, đối với chính sách trợ cấp thờ cúng liệt sĩ hiện còn thấp so với sự phát triển của xã hội, cần điều chỉnh tăng để việc thờ cúng liệt sĩ được chu đáo hơn.
Bà cũng cho rằng, chế độ điều dưỡng giữa đối tượng đi điều dưỡng tập chung và điều dưỡng tại gia đình đang có mức chế độ chênh lệch nhau khá nhiều, cần nghiên cứu và điều chỉnh cho phù hợp.
Đồng tình với quan điểm của Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Tỉnh Quảng Ninh, ông Đoàn Xuân Thanh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Hiện nay, các đối tượng thuộc diện chính sách điều dưỡng đa phần là tuổi cao, xu hướng lựa chọn phương án điều dưỡng tại nhà những năm trở lại đây tăng lên".
Ngoài ra, ông Đoàn Xuân Thanh cho rằng, công tác xác định vợ, chồng liệt sĩ nuôi con và chăm sóc bố mẹ liệt sĩ gặp nhiều khó khăn do nhiều người già yếu, đã mất hoặc đi lấy vợ, lấy chồng. Vì vậy, ông đề xuất rút gọn xác nhận đối với nhóm đối tượng này để đối tượng được tiếp cận với chính sách.
Tại Hội nghị, nhiều lãnh đạo Sở, ngành địa phương đã tham gia đóng góp ý kiến bằng kinh nghiệm thực tiễn đã được Ban soạn thảo, Tổ biên tập các Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng ghi chép, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện nội dung các Nghị định, kịp thời hoàn thiện chỉnh lý nội dung trước khi trình Chính phủ phê duyệt.