Để giảm thiểu rủi ro cho người lao động trong tình huống y tế khẩn cấp
Các quốc gia cần những hệ thống an toàn sức khỏe nghề nghiệp đảm bảo và có sức chống chịu tốt. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro cho người lao động trong những tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố báo cáo "Dự báo, chuẩn bị và ứng phó khủng hoảng: Hãy đầu tư cho các hệ thống an toàn sức khỏe nghề nghiệp có sức chống chịu tốt ngay từ bây giờ" nhân Ngày thế giới vì An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc 28/4.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người lao động làm việc trong những lĩnh vực đặc thù như công tác chăm sóc y tế, xã hội và ứng phó khủng hoảng đặc biệt dễ bị lây nhiễm. Theo số liệu được trích dẫn trong báo cáo, kể từ khi xảy ra khủng hoảng đã có 7.000 nhân viên y tế tử vong, 136 triệu nhân viên chăm sóc y tế và xã hội đứng trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi làm việc.
Những áp lực và rủi ro mà nhân viên y tế phải đối mặt trong đại dịch cũng ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của họ. Số liệu thống kê cho thấy 1/5 nhân viên chăm sóc y tế toàn cầu có các triệu chứng trầm cảm và lo lắng.
Cũng như những lĩnh vực y tế và chăm sóc, nhiều nơi làm việc khác đã và đang trở thành nguồn lây truyền Covid-19 khi nhân viên phải làm việc trong những môi trường kín và tiếp xúc gần với nhau, bao gồm cả việc sử dụng chung nơi ở hay phương tiện đi lại.
Báo cáo đã phân tích những quan ngại về sức khỏe phát sinh do tăng cường áp dụng cách bố trí làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch. Theo báo cáo, làm việc từ xa là cần thiết nhằm hạn chế sự lây lan của virus, duy trì công việc và tính liên tục trong hoạt động kinh doanh và mang lại sự linh hoạt cho người lao động.
Mặc dù là biện pháp phòng, chống dịch tốt nhưng làm việc từ xa cũng xóa mờ sự phân tách giữa đời sống công việc và đời sống cá nhân. 65% doanh nghiệp tham gia khảo sát do ILO và Mạng lưới an toàn sức khỏe nghề nghiệp G20 thực hiện cho biết khó có thể đảm bảo tinh thần làm việc của người lao động khi làm việc từ xa.
Theo chuyên gia của ILO, báo cáo cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể đáp ứng được những yêu cầu chính thức về an toàn sức khỏe nghề nghiệp, vì nhiều doanh nghiệp thiếu nguồn lực để ứng phó với những mối đe dọa do đại dịch gây nên.
Đáng lưu ý, trong khu vực kinh tế phi chính thức có đến 1,6 tỷ người lao động, đặc biệt là ở các nước đang phát triển vẫn phải làm việc trong thời kỳ áp dụng các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại và giao tiếp xã hội cũng như các biện pháp khác. Họ đứng trước nguy cơ cao bị lây nhiễm virus trong khi đa phần những người lao động này không được tiếp cận các chế độ bảo trợ xã hội cơ bản như nghỉ ốm hay nghỉ ốm có hưởng lương.
Kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ
Báo cáo đã đánh giá các biện pháp phòng ngừa, quản lý rủi ro liên quan đến đại dịch và phân tích những nguy cơ về an toàn sức khỏe do thay đổi trong cách bố trí công việc khi áp dụng các biện pháp kiểm soát virus. Từ đó, báo cáo nêu rõ vai trò quan trọng của các khung quản lý, thiết chế an toàn sức khỏe nghề nghiệp, các cơ chế tuân thủ, các dịch vụ y tế, tư vấn, dữ liệu và công tác nghiên cứu, đào tạo trong đại dịch.
Việc xây dựng hệ thống đòi hỏi phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng an toàn sức khỏe nghề nghiệp, trong đó vấn đề an toàn sức khỏe nghề nghiệp phải được tích hợp trong các kế hoạch tổng thể của quốc gia về chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó các tình huống khủng hoảng khẩn cấp. Điều này sẽ bảo vệ sự an toàn và sức khỏe của người lao động cũng như đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp được diễn ra liên tục.
Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nhấn mạnh: "Tầm quan trọng của một môi trường an toàn sức khỏe nghề nghiệp vững mạnh và có sức chống chịu tốt đã quá rõ ràng. Công cuộc phục hồi và công tác phòng ngừa đòi hỏi những chính sách quốc gia, các khung thể chế và điều tiết tốt hơn phải được đưa vào các khung ứng phó khủng hoảng một cách phù hợp".
Báo cáo nêu rõ các tiêu chuẩn lao động quốc tế đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể về cách thức ứng phó với những thách thức này để giảm nguy cơ virus lây truyền tại nơi làm việc. Các tiêu chuẩn lao động quốc tế cung cấp công cụ để triển khai các biện pháp an toàn sức khỏe nghề nghiệp và đảm bảo người lao động, người sử dụng lao động và các chính phủ vẫn có thể duy trì việc làm thỏa đáng trong khi phải điều chỉnh để giải quyết những hậu quả mà đại dịch gây nên.
Các tiêu chuẩn lao động quốc tế cũng khuyến khích áp dụng đối thoại xã hội là cách thức tốt nhất nhằm đảm bảo các quy trình, thủ tục được chấp thuận và thực hiện hiệu quả.
Tại Việt Nam, tháng 5 là Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động. Năm nay, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động có chủ đề "Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên".
Hưởng ứng Tháng hành động, các cơ quan chức năng sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp, khu công nghiệp tại 13 tỉnh, thành phố; kiểm tra một số cơ sở sản xuất kinh doanh, một số đơn vị trong ngành y tế về phòng chống dịch, công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.