Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Người phụ nữ H'Mông đổi đời nhờ trang phục thổ cẩm
(Dân trí) - Không muốn gia đình tiếp tục nghèo khó, chị Giàng Thị Gánh (37 tuổi, xã Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) đã quyết định vay vốn, mạnh dạn mở tiệm may trang phục thổ cẩm H'Mông.
Năm 2020, chị Giàng Thị Gánh vinh dự nhận kỷ niệm chương "Vì sự phát triển của phụ nữ", nhờ vào những đóng góp của bản thân trong công tác sản xuất, cải thiện đời sống. Điều đặc biệt, người phụ nữ nỗ lực không ngừng suốt nhiều năm chỉ vì quyết tâm đưa gia đình thoát nghèo.
Năm 16 tuổi, chị Gánh đã trở thành thợ may quần áo thổ cẩm có tiếng ở xã Pà Vầy Sủ. Thế nhưng sau khi lấy chồng, sinh 2 con, chị đành phải tạm gác ước mơ để làm nông, chăm lo cho gia đình. Thời điểm đó, toàn bộ chi phí sinh hoạt dựa vào những đồng lương ít ỏi của chồng nên gia đình chị luôn rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2015, sau khi các con đã trưởng thành, chị Gánh mạnh dạn vay vốn để đầu tư máy móc và đồ dùng. Chị mở tiệm may và cho thuê trang phục thổ cẩm truyền thống của người đồng bào H'Mông.
Những năm đầu thu nhập còn thấp, chị Gánh kiên trì nâng cao tay nghề. Tìm các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách hàng, chị liền bày bán ở chợ phiên, tạo dựng thương hiệu. Ngay lập tức, các sản phẩm tinh xảo của chị trở nên nổi tiếng, thu hút được nhiều tiệm buôn bán và du khách nước ngoài.
"Hiện tại mỗi sản phẩm tôi bán từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng. Nhờ vào cái nghề gia truyền này, tôi đã tạo ra thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm, giúp gia đình trở nên khá giả hơn nhiều", chị Gánh nói.
Theo chị Gánh, mỗi sản phẩm của chị đều được làm từ vải thổ cẩm của người đồng bào, sau đó công đoạn may vá sẽ kéo dài từ vài tuần cho đến 1 tháng tùy kiểu dáng váy vóc.
Điều đặc biệt, hiện tại chị Gánh còn tạo công ăn việc làm cho 2 phụ nữ trong xã, giúp kinh tế gia đình phụ nữ ở xã cũng ổn định hơn trước.
"Là một người phụ nữ tạo dựng kinh tế, tôi luôn có ý thức hoàn thiện mình để chị em noi theo. Trong phê bình và tự phê bình tôi luôn chân thành, công tâm và đặc biệt kiên quyết đấu tranh chống biểu hiện lợi dụng phê bình với động cơ xấu. Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước những khuyết điểm của bản thân. Từ những đóng góp của bản thân đã góp phần đưa phong trào Phụ nữ xã Pà Vầy Sủ ngày càng vững mạnh", chị Gánh chia sẻ.
Đây cũng là mô hình triển khai hiệu quả Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 với mục tiêu Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Loan Tô - Vũ Thị Mận