"Người thầy không chân" dạy bơi miễn phí cho trẻ mồ côi
(Dân trí) - Mặc dù không có hai chân, tay phải bị teo, nhưng anh Nguyễn Hồng Lợi đã trở thành VĐV bơi lội khuyết tật quốc gia. Hiện anh dạy bơi miễn phí cho trẻ mồ côi tại một mái ấm ở TPHCM.
"Tôi không thấy mặc cảm vì cơ thể không lành lặn của mình, ngược lại thấy rất hạnh phúc vì được mọi người đón nhận và yêu thương. Cho đi chính là nhận lại, tôi hy vọng với những thứ mình làm, có thể truyền cảm hứng và lan tỏa sự tích cực thật nhiều tới cuộc sống này", VĐV bơi lội khuyết tật Nguyễn Hồng Lợi chia sẻ.
Từ khi lọt lòng mẹ anh Lợi đã không có chân, cánh tay phải bị teo, thế nhưng anh Lợi đã nỗ lực trở thành một vận động viên bơi lội khuyết tật quốc gia với sự nỗ lực vươn lên của mình. Hiện anh là thầy giáo dạy bơi miễn phí cho các em nhỏ mồ côi tại mái ấm Thiên Thần (TP Thủ Đức).
Đều đặn mỗi tuần 2 buổi, anh Hồng Lợi lái chiếc xe của mình cùng với "đồ nghề" tới mái ấm Thiên Thần, nơi có 132 đứa trẻ mồ côi đang được nuôi dưỡng để dạy các em bơi lội.
"Thầy Lợi tới, thầy Lợi tới rồi...", các em nhỏ ở mái ấm Thiên Thần phấn khởi khi thấy anh Lợi bước vào cửa. Đứa chạy đến bắt tay, đứa khoác vai, các em vây quanh anh Lợi như người cha của mình.
Anh Lợi cho biết, cách đây một thời gian, anh có cơ duyên gặp được VĐV bơi tuyển quốc gia Lương Ngọc Duy, anh Duy là giáo viên dạy bơi cho các em ở mái ấm đã nhiều năm, thấy công việc này thú vị và thỏa được đam mê, vừa truyền được cảm hứng, nên anh xin về làm giáo viên dạy bơi miễn phí cho các em nhỏ.
"Người thầy không chân" luôn tận tâm và hết mình với những đứa học trò nhỏ, anh luôn tỉ mỉ và theo sát các em khi đang bơi.
Chia sẻ về lần đầu tiên tới dạy bơi cho các em ở mái ấm Thiên Thần, anh Lợi kể: "Lúc mới tới dạy, tôi cũng khá e ngại với việc mình có một cơ thể không lành lặn, liệu các em có sợ không, các em có chấp nhận mình không. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên là các em rất gần gũi và đặt nhiều câu hỏi như thầy không có chân làm sao bơi được, thầy bị như vậy từ khi nào".
"Những khi tôi xuống hồ bơi, nhiều em thốt lên, thầy bơi bằng một tay luôn hả? Câu hỏi đó không làm tôi buồn, mà ngược lại thấy rất gần gũi và tự nhiên, khiến tôi được thoải mái hơn khi lên lớp", anh Lợi nói.
Nói về cơ thể đặc biệt của mình, anh Lợi cho biết, khi sinh ra đã không lành lặn như bao người, anh là một người đặc biệt, những em nhỏ ở đây cũng có những hoàn cảnh đặc biệt, nên anh hy vọng mình có thể truyền thêm cảm hứng và động lực cho các em.
Tôi hay nói với các em rằng': "Thầy Lợi không chân bơi được, thì các em chắc chắn phải bơi tốt hơn thầy".
Sau những buổi dạy, anh Lợi thường dành thời gian để vui chơi và thi bơi cùng với các học trò của mình. Anh cũng không ngại với việc đôi lần về đích sau học trò.
"Mình bơi cùng các em để tạo động lực cho các em cố gắng hơn, chứ không phải vì hơn thua, để giành chiến thắng", anh Lợi cười.
Ngoài việc tham gia các giải bơi trong và ngoài nước, anh Lợi cũng thường xuyên tham gia các giải phong trào và đưa các học trò của mình theo để cọ xát và học hỏi kinh nghiệm.
Mới đây, anh và hơn 50 em nhỏ tại mái ấm Thiên Thần đã tham gia cuộc thi Aquamen tại Phan Thiết, đây là cuộc thi hai môn phối hợp gồm bơi biển và chạy marathon.
Qua nhiều năm thi đấu, anh Lợi đã có được một bộ sưu tập 25 HCV, 6 HVB, 5 HCĐ và 1 HCĐ Paragame năm 2014 tại Myanmar.
Anh Lợi lập gia đình vào năm 2020, hai vợ chồng anh có một bé gái 2 tuổi, vợ anh là một nhà thiết kế thời trang. Gác lại vai trò của một kình ngư, công việc hàng ngày của anh là vẽ tranh và thiết kế áo dài cùng vợ, gia đình có một gian hàng bán đồ lưu niệm ở Bảo tàng Áo dài TPHCM (TP Thủ Đức).
Hỏi về dự định công việc dạy bơi hiện tại của anh, anh Lợi cho biết sẽ dạy đến khi nào các em không muốn học nữa thì thôi. Hiện tại, anh vẫn lên lớp đều đặn để truyền thêm "lửa" cho các em, không chỉ dạy bơi, anh còn muốn chia sẻ thêm động lực để các em cố gắng vươn lên mỗi ngày.