Quảng Bình:
Người lao động "ngóng từng ngày" gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng
(Dân trí) - Theo nhiều lao động ngành du lịch tại Quảng Bình, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng có vai trò quan trọng trong thời điểm khó khăn do đại dịch Covid-19 và đang rất mong gói hỗ trợ sớm triển khai.
Trợ giúp kịp thời
Quảng Bình là địa phương xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và hiện có khoảng 15 ngàn lao động.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, ngành du lịch tỉnh này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lượng du khách sụt giảm, hàng loạt các điểm du lịch nổi tiếng, nhà hàng, khách sạn buộc phải đóng cửa.
Kéo theo đó là những hệ lụy đối với hàng ngàn lao động đang sống dựa vào ngành "công nghiệp không khói".
Suốt nhiều tháng qua, phần lớn lao động ngành du lịch tại Quảng Bình đã mất đi nguồn thu nhập khi lượng du khách giảm quá sâu, thậm chí phải nghỉ vì không có việc làm.
Trong hoàn cảnh đó, nhiều lao động đang rất mong ngóng được nhận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. Đây là gói hỗ trợ thứ 2 được triển khai sau khoảng 2 năm Việt Nam đối mặt với 4 làn sóng Covid-19 khiến nhiều lao động bị ảnh hưởng tiêu cực về việc làm.
Chị Trần Thị Nga là nhân viên của Công ty TNHH thông tin và du lịch Netin (Quảng Bình) hơn 6 năm. Do tác động của dịch Covid-19, nhiều tour, tuyến phải tạm dừng hoạt động. Chị buộc phải tạm nghỉ không lương. Đây là đợt thứ 2 chị Nga phải tạm nghỉ việc vì không có du khách.
Khi nhận được thông tin về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ dành cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chị Trần Thị Nga và nhiều lao động ngành du lịch tại Quảng Bình tỏ ra rất vui mừng.
Đây được xem là sự trợ giúp kịp thời của các lao động trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh gây ra bởi lẽ ngoài việc được hỗ trợ trực tiếp, gói 26.000 tỷ còn hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn trả lương cho lao động.
"Tôi đã phải nghỉ việc 3 tháng không lương và hiện cũng chỉ làm việc lặt vặt kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Tôi rất mừng vì bản thân nằm trong diện được hỗ trợ. Sự hỗ trợ này sẽ giúp những lao động đang mất việc giảm bớt khó khăn, hy vọng dịch sẽ sớm được kiểm soát để chúng tôi có thể đi làm trở lại", chị Trần Thị Nga chia sẻ.
Mong ngóng sớm nhận hỗ trợ
Còn với anh Nguyễn Hữu Tuyển, nhân viên của Công ty TNHH dịch vụ du lịch Việt Nam Tour Quảng Bình, đã phải nghỉ việc vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh mong dịch sớm được kiểm soát, anh cũng rất mong chờ vào gói hỗ trợ từ Chính phủ.
"Những lao động mất việc vì dịch bệnh như chúng tôi rất vui mừng và cảm ơn các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Gói hỗ trợ này không chỉ giúp lao động vượt qua khó khăn hiện tại mà còn tạo động lực cho các lao động mất việc làm vững niềm tin hơn để vượt qua thời điểm này", anh Nguyễn Hữu Tuyển chia sẻ.
Không chỉ lao động ngành du lịch mà nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch tại Quảng Bình cũng đang mong ngóng vào gói hỗ trợ này. Đặc biệt là ở chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Theo anh Trần Xuân Cương, Giám đốc một du lịch tại Quảng Bình, trước những ảnh hưởng từ dịch Covid-19, đơn vị này đã phải cho 6 lao động diện hợp đồng nghỉ việc không lương suốt nhiều tháng qua. Bên cạnh đó, do nguồn thu khó khăn nên việc chi trả lương cho nhân viên là gánh nặng đối với doanh nghiệp.
Sau khi nắm được thông tin về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng trên phương tiện thông tin đại chúng, anh Trần Xuân Cương cũng đã tìm hiểu và rất mong muốn các lao động tại công ty sẽ sớm nhận được hỗ trợ. Bên cạnh đó, công ty này cũng hy vọng sẽ sớm nhận được một số chính sách ưu đãi để vượt qua những khủng hoảng trong thời điểm hiện tại.
"Tôi đã đọc và theo dõi các chính sách từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng và thấy đây là chính sách rất thiết thực. Chúng tôi cũng mong muốn gói hỗ trợ này sẽ sớm được triển khai tại Quảng Bình, công ty sẽ tìm hiểu các thủ tục để có thể được vay vốn trả lương cho nhân viên, vừa giảm bớt gánh nặng cho công ty, vừa giải quyết khó khăn cho các lao động", anh Trần Xuân Cương cho hay.