Người lao động đóng gần 20 năm vẫn rút BHXH một lần, nguyên nhân do đâu?
(Dân trí) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong nêu 6 nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần gia tăng trong thời gian qua.
Người rút BHXH một lần hầu hết 20-40 tuổi
Tính ra ngoài làm ăn, chị Lê Chí Hiếu (Vĩnh Hồ, Vĩnh Long) đã nghỉ việc ở công ty. Dù đã đóng BHXH được 10 năm, song chị vẫn không ngần ngại làm thủ tục rút BHXH một lần sau khi hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Đó là những chia sẻ của nữ công nhân trong phóng sự tại tọa đàm về quyền lợi bảo hiểm xã hội trên sóng Truyền hình Việt Nam tối 22/11.
Cũng giống như chị Hiếu, anh Đặng Văn Phước (Vĩnh Long) dự tính nhận về 90 triệu đồng từ quá trình 14 năm tham gia BHXH của mình. Số tiền này anh dùng sửa nhà, lo cho ba mẹ khi về già.
Chị Hiếu, anh Phước là hai trong nhiều người lao động rút BHXH một lần.
Theo thống kê, phần lớn người rút BHXH một lần từ 20 đến 40 tuổi. Đặc biệt, khi việc làm bấp bênh, số người rút BHXH tăng.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Long Ngô Tuấn Anh nêu thực trạng, có người lao động tham gia BHXH được 19 năm 10 tháng, chỉ còn thiếu 2 tháng là đủ 20 năm đóng tối thiểu để được hưởng lương hưu mà xin nghỉ việc để rút BHXH một lần.
Dù đã được cơ quan BHXH giải thích rõ dự thảo luật sửa đổi bổ sung hướng đến người lao động khi về già có lương hưu. Tuy nhiên, người lao động vẫn rút bảo hiểm.
4 lợi ích của việc không rút BHXH một lần
Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho hay, qua cuộc hội thảo lấy ý kiến của người lao động, đặc biệt người trực tiếp rút BHXH một lần cho thấy đây là tình hình đáng báo động.
Số lao động tham gia mới và số người rút BHXH một lần gần tương đương nhau. Những năm gần đây, đặc biệt thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, số này gia tăng hơn.
Trước thực trạng trên, ông Đặng Thuần Phong nhận định, do 6 nguyên nhân lớn.
Thứ nhất, lợi ích hưởng chế độ hưu trí và bất lợi của hưởng BHXH một lần chưa được người lao động nhận thức đầy đủ, công tác truyền thông để người lao động hiểu rõ chưa đạt như mong muốn.
Thứ hai, sự tin tưởng vào hệ thống BHXH chưa vững chắc.
Thứ ba, điều kiện hưởng, thủ tục hưởng khá đơn giản. Thời gian đóng BHXH 20 năm, người lao động cho là quá dài nên có những người chờ đợi 19 năm 10 tháng, có những người đóng đến 15 năm cũng không chờ cho đủ điều kiện để hưởng lương hưu. Bởi, tâm lý của họ muốn rút bảo hiểm trước để xử lý việc gia đình.
Thứ tư, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, khi gia đình có việc, khó khăn, người lao động lại nghĩ ngay tới BHXH một lần.
Nguyên nhân thứ năm là tư tưởng lợi dụng chính sách. Nhiều người xem phần đóng của chủ sử dụng lao động như khoản phúc lợi, khi có cơ hội sẽ nhận ngay.
Ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH nêu, theo nguyên lý, bảo hiểm chỉ có thể tham gia khi chưa cần dùng đến. Lúc phát sinh rủi ro trong quá trình lao động, đời sống, người lao động muốn bỏ nhiều tiền tham gia lại không được.
"Đặc thù của BHXH như thế, việc thông tin truyền thông tuyên truyền về vấn đề này rất quan trọng. Thực tế, khi tham gia, nhiều người chưa thấy lợi ích gì từ bảo hiểm, đặc biệt chế độ hưu trí phải tham gia tối thiểu 20 năm thì mới có cơ hội được hưởng lương hưu", ông Giang nói.
Trao đổi về giải pháp hạn chế người rút BHXH một lần, ông Giang cho rằng, việc tăng cường thông tin truyền thông nâng cao nhận thức của người lao động là rất quan trọng.
Tiếp nữa, quy định điều chỉnh thời gian tham gia đóng góp BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu xuống còn 15 năm hết sức quan trọng. Vụ trưởng Vụ BHXH nêu thực tế, có đến 70% người nhận BHXH một lần từ 20 đến 40 tuổi. Như vậy, 5-10 năm sau đó, họ có thể quay trở lại tham gia tiếp.
Vậy nên, việc điều chỉnh giảm điều kiện thời gian đóng BHXH tạo cơ hội cho nhiều người lao động tham gia muộn được nhận lương hưu trong thời gian tới.
Theo ông Giang, cơ quan soạn thảo xác định ngay quan điểm là hạn chế người nhận BHXH một lần bằng cách gia tăng quyền lợi nếu người lao động bảo lưu thay vì nhận BHXH một lần. Đó là nguyên tắc khi xây dựng chính sách.
Với những người bảo lưu thời gian được nhận 4 lợi ích gia tăng như có cơ hội hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trước 75 tuổi, hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước chi trả. Bên cạnh đó, người lao động được tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi khắc phục khó khăn trước mắt và họ được hưởng lương hưu ngay sau khi đóng 15 năm thay vì đủ 20 năm như hiện nay.