"Biết rút bảo hiểm xã hội một lần là mất nhiều, nhưng không còn cách nào"
(Dân trí) - Bước vào năm học mới, ông Hùng cần tiền lo cho con. Không thể xoay xở, ông và vợ đành dùng "của để dành". Biết là rút bảo hiểm xã hội một lần là mất nhiều, đắn đo mãi nhưng ông không còn cách nào.
Không thể xoay xở, đành dùng "của để dành"
Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, ông Lê Văn Hùng (TP Quảng Ngãi) quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần cho vợ. Số tiền này ông dự định dùng trang trải chi phí cho con út đang học đại học.
Bản thân ông Hùng không có việc làm ổn định, vợ bị tai biến. Đầu tháng 8, ông Hùng đến Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Ngãi để làm thủ tục rút BHXH một lần. Tại đây, ông được giải thích về những thiệt thòi, ảnh hưởng lâu dài nếu rút BHXH. Suy nghĩ một hồi, ông Hùng mang hồ sơ ra về.
Tuy nhiên, thực tế cần tiền lo cho con mà xoay xở các hướng không được, ông lại đành dùng "của để dành".
"Tôi biết là rút bảo hiểm một lần là mất nhiều chế độ. Vợ chồng tôi suy nghĩ, đắn đo mãi nhưng không còn cách nào khác", ông Hùng chia sẻ.
Nộp hồ sơ cùng lúc với ông Hùng, chị Trần Thị Út tính rút bảo hiểm để có một khoản tiền giải quyết khó khăn trước mắt. Chị Út không có việc làm nên kinh tế gia đình khá khó khăn, đặc biệt là việc lo cho 2 con đang ăn học.
"Tôi hiện không có việc làm trong khi các con đi học tốn kém đủ thứ. Biết là rút BHXH một lần thì mất nhiều quyền lợi sau này nhưng giờ khó khăn quá, đặng chẳng đừng", chị Út chia sẻ.
"Phao cứu sinh" trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề
BHXH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm 2022, đơn vị đã giải quyết chế độ BHXH một lần cho hơn 7.400 người, với số tiền gần 259 tỷ đồng.
Riêng 8 tháng đầu năm nay, hơn 7.600 người được giải quyết chế độ, với số tiền trên 253 tỷ đồng. Những con số cho thấy lượng lao động rút BHXH một lần có chiều hướng gia tăng.
Theo Phó Giám đốc BHXH Quảng Ngãi Trương Quang Hùng, số người rút BHXH một lần hiện khá lớn. Phần lớn trong số này là lao động ở các tỉnh, thành khác. Sau khi mất việc làm, những người này về quê sinh sống và nộp hồ sơ rút BHXH.
Lãnh đạo BHXH tỉnh Quảng Ngãi xác nhận, hầu hết người rút BHXH một lần thật sự khó khăn do mất việc làm. Nhiều trường hợp một lao động có 3-4 người phụ thuộc. Trong những trường hợp này, dù được cán bộ BHXH giải thích, hiểu rõ thiệt thòi nhưng rất ít người thay đổi quyết định.
Ông Hùng khuyến cáo, trước khi rút BHXH một lần, người lao động nên sử dụng quyền lợi từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Người đóng BHXH từ 12 tháng đến đủ 36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, đóng đủ một năm sẽ được thêm một tháng, nhưng không quá 12 tháng. Trong thời gian này, người lao động còn được hỗ trợ đào tạo nghề.
"Nếu rút BHXH một lần, người lao động không nhận được khoản hỗ trợ đào tạo nghề, trợ cấp thất nghiệp. Do đó người lao động cần tận dụng các quyền lợi này để giải quyết khó khăn trước mắt. Người lao động cố gắng bảo lưu quá trình đóng BHXH, khi có việc làm có thể tiếp tục đóng BHXH đến đủ thời gian quy định", ông Hùng phân tích.
Thiếu thông tin về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp
Các quyền lợi liên quan về chế độ bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề được xem như "phao cứu sinh" của người lao động khi mất việc. Thế nhưng trong thực tế, nhiều lao động khi nộp hồ sơ rút BHXH một lần, được cán bộ BHXH vận động, giải thích mới hiểu được các quyền lợi này.
"Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm định hướng, tư vấn các chính sách về BHXH cho người lao động. Nếu ngay từ đầu người lao động biết được tất cả các quyền lợi của mình sẽ góp phần hạn chế việc rút BHXH một lần. Ngoài nỗ lực của ngành BHXH, các doanh nghiệp cần góp sức trong việc hạn chế số lao động rút BHXH một lần", Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Ngãi Trương Quang Hùng nói thêm.