Đồng Tháp:
Nhiều vướng mắc khi hỗ trợ cho người lao động tạm ngừng việc do dịch
(Dân trí) - Tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận 598 hồ sơ lao động có giao kết hợp đồng đề nghị nhận hỗ trợ theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Nhưng thực tế, khi triển khai hỗ trợ cho nhóm này còn nhiều vướng mắc.
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp, đối với lao động có giao kết hợp đồng lao động làm việc ở các doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc nên làm chậm tiến độ triển khai chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng này.
Cụ thể, đối với mức hỗ trợ "3.710.000 đồng/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ một tháng (30 ngày) trở lên", do Đồng Tháp vừa mới ban hành quyết định cách ly xã hội đến ngày 15/8, nên một số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động chờ đủ 30 ngày để làm hồ sơ hỗ trợ cho người lao động.
Ngoài ra, theo Quyết định số 23, quy định điều kiện hỗ trợ "có biên bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được…".
Nhưng thực tế, hiện nay do tình hình giãn cách xã hội, nên người lao động về quê, hoặc cách ly y tế, không tập trung tại doanh nghiệp. Do đó, người lao động và người sử dụng lao động chưa ký được biên bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương như quy định.
Tính đến ngày 4/8, BHXH tỉnh Đồng Tháp đã xác nhận quá trình tham gia bảo hiểm xã hội cho 39 đơn vị, doanh nghiệp, với 598 lao động để đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ theo chính sách tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hoặc chính sách hỗ trợ ngừng việc.
Một vướng mắc khác là người lao động chưa hoàn thiện thủ tục để hưởng trợ cấp theo Quyết định số 23. Vì quy định người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến ngày trước khi bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp bị nợ bảo hiểm nên cơ quan bảo hiểm không thể xác nhận.
Cũng theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp, một số doanh nghiệp chỉ thu hẹp sản xuất, giảm lao động, không tạm dừng hoạt động. Do đó, người lao động làm việc ở các doanh nghiệp này sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Phạm Việt Công - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Trước những vướng mắc nêu trên, ngành tiếp tục đôn đốc các huyện, thành phố các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động sớm thiết lập hồ sơ đề nghị hưởng chính sách theo hướng dẫn gửi các cơ quan có thẩm quyền để sớm được phê duyệt hỗ trợ cho người lao động trong thời gian sớm nhất".
Theo đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 4/8, BHXH tỉnh đã thực hiện chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong tháng 7 cho 1.141 đơn vị, doanh nghiệp, với 51.120 lao động được mức đóng, với số tiền là hơn 1,3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận và thống nhất cho 3 doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, với 679 lao động, số tiền tạm dừng đóng hơn 2,8 tỷ đồng.
Các chính sách hỗ trợ của tỉnh Đồng Tháp đến hộ nghèo, hộ cần nghèo xem như đạt 100%. Đối với người dân bán vé số dạo đã chi hỗ trợ cho 9.836/10.000 người với tổng số tiền hơn 14,7 tỷ đồng. Lao động tự do đã chi 22.844/38.400 người, với số tiền hơn 32,2 tỷ đồng.