Người hiến tạng được hưởng những đặc quyền gì?
(Dân trí) - Người hiến tạng sẽ được hưởng một số quyền lợi về khám chữa bệnh, trong đó có quy định nhà nước sẽ chi trả cho chi phí mua bảo hiểm y tế (BHYT) cho họ suốt đời.
Hiến tạng là nghĩa cử cao đẹp mang lại cơ hội sống cho nhiều người khác. Người đã chết não được khuyến khích hiến tạng để cứu sống nhiều người mắc bệnh nan y cần ghép tạng nhưng hiện số ca hiến tạng của người đã chết não không nhiều.
Do đó, nguồn tạng hiến để thực hiện các ca ghép tạng hiện nay còn đến từ người sống, thường là người thân ruột thịt của bệnh nhân hiến cho thân nhân của mình. Dù hình thức hiến tạng này không được khuyến khích nhưng để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho người đã hiến tạng, nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ y tế cho họ, một trong số đó là được cấp thẻ BHYT suốt đời.
Quy định này được nhắc đến lần đầu trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006. Cụ thể, điểm b khoản 2 điều 17 của luật này quy định quyền lợi của người đã hiến mô, bộ phận cơ thể người là được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Quy định này được cụ thể hóa tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT. Tại khoản 14 điều 3 của Nghị định 146 quy định BHYT của người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật về hiến ghép mô tạng do ngân sách nhà nước đóng.
Tại khoản 4 điều 11 Nghị định 146 quy định: "Đối với người đã hiến bộ phận cơ thể theo quy định của pháp luật, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) căn cứ giấy ra viện do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người hiến bộ phận cơ thể cấp cho đối tượng này để cấp thẻ BHYT".
Ngoài việc được cấp thẻ BHYT miễn phí, người đã hiến tạng còn được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến tạng; được khám sức khỏe định kỳ miễn phí; được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế.
Ngoại trừ được cấp thẻ BHYT miễn phí suốt đời, mức hưởng BHYT của người đã hiến tạng cũng căn cứ theo các quy định pháp luật như sau: