Người dân miền núi sống giữa mênh mông rừng vẫn thiếu đất
(Dân trí) - Người dân thiếu đất sản xuất, trong khi đất rừng mênh mông, ly nông kéo theo tình cảnh ly hương... là những thực trạng đang xảy ra ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An.
Người miền núi "khát" đất
Tại phiên thảo luận tổ, Kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII chiều 12/7, nhiều vấn đề liên quan đến an sinh, giảm nghèo, đảm bảo đời sống cho đồng bào các huyện miền núi Nghệ An đã được đại biểu đưa ra phân tích, mổ xẻ.
Ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Tương Dương - một trong 4 huyện nghèo thuộc danh sách 30A (các huyện nghèo, khó khăn của cả nước) đánh giá, công tác đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào miền núi được các cấp chính quyền quan tâm. Nhiều chính sách đã bao trùm đối tượng cần được giúp đỡ, hỗ trợ, đặc biệt là hộ nghèo dân tộc thiểu số.
Cuối năm 2021, các huyện miền núi tỉnh Nghệ An đã ghi nhận tình trạng lao động ồ ạt trở về quê tránh dịch Covid-19. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội đã được triển khai kịp thời, qua đó giúp ổn định an ninh trật tự và thực hiện có hiệu quả các chương trình phục hồi phát triển kinh tế, xã hội.
"Tạo sinh kế cho người dân miền núi là vấn đề cần quan tâm. Hiện chi phí đầu vào sản xuất cao nhưng đầu ra giảm, thị trường tiêu thụ không có, trong khi đó đất nông nghiệp, đất sản xuất lúa ngày càng giảm khiến người dân càng khó khăn. Có tình trạng đồng bào miền núi kéo cả nhà vào miền Nam, Tây Nguyên để làm ăn chứ không mặn mà vào các nhà máy trong tỉnh làm việc", ông Hải chỉ rõ.
Đại biểu huyện Tương Dương cho rằng, cần nghiên cứu sớm, hoàn tất việc thu hồi đất rừng của các lâm trường để giao cho người dân khoanh nuôi, sản xuất. Mặt khác, cần có cơ chế chính sách để giữ chân người dân ở lại nhằm đảm bảo cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu Quế Thị Trâm Ngọc, huyện Quỳ Châu cũng cho rằng, vấn đề đáng quan tâm với đồng bào miền núi hiện nay là giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đặc biệt là đất trồng lúa. Nữ đại biểu này chỉ rõ tình trạng tại huyện Con Cuông. Khi tổ chức tái định cư cho bà con tộc người Đan Lai từ vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát thì không tìm được đất cho bà con sản xuất, phải cải tạo đất rừng để trồng lúa.
"Đất toàn sỏi đá, dù đã khai hoang phục hóa, cải tạo đủ cách nhưng không trồng lúa được, trồng thì hiệu quả chắc chắn thấp", bà Quế Thị Trâm Ngọc chỉ rõ.
Thu hồi đất nông, lâm trường giao về cho các địa phương để giao cho người dân sản xuất đã được triển khai nhiều năm nay nhưng thời gian thực hiện quá lâu. Do vậy, nữ đại biểu này cũng đề nghị cấp có thẩm quyền tăng cường chỉ đạo cơ quan chức năng, các địa phương để sớm hoàn thành việc thu hồi, giao cho người dân, đảm bảo đời sống cho bà con đồng bào miền núi.
Thu hồi đất nông lâm trường: Nhiều vướng mắc
Theo ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An, địa phương này vừa thu hồi hơn 10.000ha đất rừng của 11 công ty nông, lâm trường. Hiện, chỉ tính riêng huyện Con Cuông đã thu hồi được hơn 200ha và đang làm phương án giao đất cho người dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai hoạt động này gặp nhiều khó khăn về kinh phí, nhân lực đo đạc, xác định nguồn gốc đất cũng như giải quyết vấn đề tài sản (cây trồng) trên đất.
Quan điểm của ngành tài nguyên là đất rừng quản lý kém, không hiệu quả thì phải thu hồi, bàn giao cho chính quyền địa phương để giao người dân nhưng quá trình thu hồi phải đúng lộ trình, đảm bảo các quy định của pháp luật.
Ông Phùng Quang Minh, đại diện Kiểm lâm Nghệ An thừa nhận thực trạng thiếu đất nông nghiệp để bà con các huyện miền núi sản xuất.
"Năm 2002 chúng tôi có quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy cho người dân nhưng không được phê duyệt. Chúng tôi chỉ có thể chỉ cho người dân khu vực nào được phép sản xuất lúa, khu vực nào thuộc công ty lâm, nông trường hay do nhà nước quản lý, trồng và bảo vệ rừng. Có thực trạng "rừng xanh mâu thuẫn với lúa vàng", ông Minh cho hay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, từ 2014 đến nay, địa phương này đã thu hồi gần 24.000ha đất của các công ty nông, lâm trường, giao về cho chính quyền địa phương. Gần 14.000ha đã giao cho người dân, còn 10.000ha đang được chính quyền địa phương quản lý.
Hiện việc thu hồi đất nông, lâm trường để trả cho các địa phương giao cho người dân đang được thực hiện nhưng tiến độ chậm, nhiều vướng mắc, trong đó nguyên nhân chủ yếu là kinh phí và nhân lực để thực hiện việc đo đạc. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cho biết, sẽ sớm bố trí nguồn kinh phí để thực hiện đo đạc, thu hồi đất rừng để giao cho người dân, giúp đồng bào có sinh kế bền vững.