Thanh Hóa:

Huyện miền núi đặt mục tiêu gần 3.000 người được đào tạo các trình độ nghề

Trần Lê

(Dân trí) - Trong giai đoạn 2021-2030, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa) sẽ đào tạo nhân lực trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đào tạo theo các chương trình nghề nghiệp khác cho 2.915 người.

Quan Sơn là một huyện miền núi vùng cao biên giới phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Trong 10 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, đã có 1.281 lao động được đào tạo nghề các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp.

Qua đó, giúp cho việc chọn lựa ngành, nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động, sau khi học nghề người lao động đã có thể chuyển đổi nghề nghiệp hoặc tìm kiếm việc làm mới; góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo theo mục tiêu xây dựng nông thôn mới; tạo việc làm mới cho lao động nông thôn và từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ mang lại giá trị thu nhập cao cho người lao động.

Huyện miền núi đặt mục tiêu gần 3.000 người được đào tạo các trình độ nghề - 1

Nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn huyện Quan Sơn bình quân mỗi năm khoảng 8 lớp, tương ứng với khoảng gần 300 học viên (Ảnh: B.M).

Quá trình đào tạo nghề đã có sự chuyển biến tích cực trong việc giải quyết việc làm, sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, sự cố gắng vươn lên thoát nghèo bền vững theo tỷ lệ giảm hàng năm, mức sống của người dân từng bước được cải thiện.

Trong 10 năm qua, trên địa bàn huyện Quan Sơn đã có 11.426 người được tuyên truyền, tư vấn học nghề, giải quyết việc làm; khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn đối với 3.588; hỗ trợ lao động nông thôn học nghề đối với 1.202 người.

Theo đánh giá của UBND huyện Quan Sơn, tỷ lệ học sinh và người lao động chưa chú trọng đối với các kênh truyền thông của huyện còn cao; chất lượng đào tạo trình độ cao chưa được triển khai tại địa bàn, số học sinh tham gia học trung cấp và cao đẳng nghề còn ít; người lao động ít lựa chọn học nghề, tâm lý học để "làm thầy" vẫn khá phổ biến trong nhân dân; công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh phổ thông chưa được thực hiện quyết liệt.

Bên cạnh đó, các chính sách thu hút học nghề chưa đủ sức thuyết phục, chính sách miễn giảm học phí chưa đủ sức thu hút người lao động tham gia học nghề; chính sách tuyển dụng, sử dụng và chính sách tiền công, tiền lương... của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa đủ hấp dẫn người lao động có tay nghề.

Trong khi đó, huyện Quan Sơn là một huyện nghèo, chưa có điều để xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình dạy nghề tại địa phương.

Lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Quan Sơn cho biết, năm 2021 không có kinh phí chương trình mục tiêu. Nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn bình quân mỗi năm khoảng 8 lớp, tương ứng với khoảng gần 300 học viên. Tuy nhiên, tất cả đều phụ thuộc vào kinh phí, nếu không có ngân sách thì không triển khai được.

Tuy trong 10 năm qua, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện được quan tâm xây dựng hệ thống cơ sở vật chất và thiết bị giảng dạy khá đầy đủ, nhưng số nghề và số lớp bố trí cho Trung tâm giảng dạy còn quá ít, đồng thời huyện cũng chưa bố trí được nguồn kinh phí cho công tác đào tạo nghề địa phương nên chưa sử dụng hết công năng của hệ thống cơ sở vật chất và thiết bị.

Mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, tại huyện Quan Sơn sẽ đào tạo nhân lực trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đào tạo theo các chương trình nghề nghiệp khác cho 1.245 người (trong đó số người dân tộc thiểu số 545 người, người khuyết tật 30, các đối tượng chính sách 370 người, đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với  mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương 300 người); giai đoạn 2025 - 2030 là 1.670 người (trong đó số người dân tộc thiểu số 680 người, người khuyết tật 60, các đối tượng chính sách 480 người, đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với  mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương 450 người).

Huyện miền núi đặt mục tiêu gần 3.000 người được đào tạo các trình độ nghề - 2

Mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030 của huyện Quan Sơn là có gần 3.000 người được đào tạo các trình độ nghề (Ảnh: X.M).

UBND huyện Quan Sơn cũng đã có báo cáo đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người khuyết tật tại địa phương này. Theo đó, huyện chưa cân đối được nguồn ngân sách bổ sung cho công tác đào tạo nghề tại địa phương; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện chưa được cấp phép một số danh mục đào tạo nghề cần thiết đối với huyện như nghề nề hoàn thiện.

Trong năm 2021, huyện có kế hoạch tuyên truyền tư vấn học nghề việc làm cho 4.700 người với nhu cầu kinh phí thực hiện là 380 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp khó khăn về nguồn kinh phí.

Huyện Quan Sơn đề nghị tỉnh Thanh Hóa thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với việc hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo; cấp phép danh mục dạy nghề nề hoàn thiện cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện để tiện cho việc tổ chức dạy nghề và giảm chi phí cho việc tổ chức các lớp học…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm