Người cựu binh hết lòng vì công tác cai nghiện ma túy
(Dân trí) - Trở về với nhiều vết thương sau 26 năm chiến đấu trong quân ngũ, ông Nguyễn Viết Vân (Hà Nội) đã tiếp tục chiến đấu với tệ nạn ma túy, "cảm hóa" và giúp hàng chục người nghiện hoàn lương.
Cảm hóa những người nghiện
Trong căn phòng nhỏ tại trụ sở UBND phường Kim Mã, (Ba Đình, Hà Nội), người cựu binh 76 tuổi Nguyễn Viết Vân vẫn đang cần mẫn viết những tiểu phẩm kịch để dành tặng những diễn viên nghiệp dư đã từng bước qua con đường nghiện ma túy trong đợt biểu diễn văn nghệ của phường tới đây.
Hơn 26 năm tham gia vào quân ngũ, ông Nguyễn Viết Vân đã từng chiến đấu anh dũng tại đơn vị Kỹ thuật công binh ở nhiều chiến trường miền Trung, miền Nam. Trở về quê hương với 2 vết thương đạn pháo trên đầu và bị nhiễm chất độc màu da cam, ông Nguyễn Viết Vân không nghỉ ngơi mà nhận nhiệm vụ Phó hội trưởng Hội Cựu chiến binh phường Kim Mã.
Năm 2001 ông nhận thêm nhiệm vụ làm chủ nhiệm câu lạc bộ B93 phường Kim Mã, chuyên vận động và giúp đỡ người nghiện và sau cai nghiện.
Ở cái tuổi này, đáng nhẽ ra ông được ở nhà tận hưởng cuộc sống an nhàn cùng con cháu. Nhưng lúc thì ông đến từng nhà, gặp từng đối tượng nghiện ma túy để vận động họ cai nghiện. Lúc lại thấy ông đến CLB B93 sinh hoạt cùng hàng chục đối tượng nghiện nặng được ông giúp đỡ hoàn lương trở về với đời thường.
Ông Nguyễn Viết Vân tâm sự: "Những năm 2000, địa bàn phường Kim Mã được coi là điểm nóng về tệ nạn ma túy. Người dân luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ các đối tượng nghiện trộm cắp, cướp giật manh động, liều lĩnh. Không đành lòng nhìn thấy cảnh ấy tôi quyết tâm đến từng nhà vận động các đối tượng nghiện hút hoàn lương, một lần không được thì đến nhiều lần".
Không ít lần ông bị các đối tượng nghiện chửi mắng, xua đuổi, các đối tượng buôn bán ma túy dọa nạt. Để "giành giật" những người nghiện hoàn lương, ông chẳng nề hà khó khăn nguy hiểm mà chùn bước. Với ông có đó là công việc, là tâm huyết suốt 20 năm qua.
Việc viết thư, điện thoại đe dọa hay bị đánh lén đối với ông như cơm bữa. Nhưng với sự dũng cảm của một người lính, ông không hề chùn bước khi đối mặt với các đối tượng buôn bán ma túy manh động. Người dân trong khu phố thường gọi ông với cái tên thân thương là ông Vân "ma túy".
"Nhiều lần vợ con tôi có can ngăn không cho làm công việc nguy hiểm này nữa, nhưng sau thấy sự quyết tâm và thấy nhiều đối tượng nghiện được tôi cảm hóa, gia đình cũng ủng hộ" - ông Nguyễn Viết Vân tâm sự.
Niềm vui và hạnh phúc
Suốt những năm qua, 40 người nghiện hút trên địa bàn phường đã được ông vận động đi cai nghiện thành công, nhiều người có việc làm ổn định, lấy vợ rồi sinh con.
Để giúp người nghiện hoàn lương, ông cho rằng không chỉ cần tình cảm, sự chân thành để thuyết phục mà quan trọng hơn là phải tạo được công ăn việc làm cho họ để sau khi cai nghiện trở về, họ có công việc để lao động, có tiền tiêu, không còn thời gian để chơi bời, bị bạn bè rủ rê, lôi kéo.
"Tôi rất xót xa khi thấy người nghiện cứ bị bắt rồi lại được thả, cai nghiện rồi lại tái nghiện, tái nghiện rồi lại phạm tội. Cái vòng luẩn quẩn khiến cuộc sống của họ bế tắc, còn cuộc sống của người dân xung quanh vẫn đầy bất ổn và hiểm nguy rình rập, nên sau khi cai nghiện tôi sẽ tư vấn cho họ việc làm, rồi vận dụng mối quan hệ để xin cho mỗi người một công việc phù hợp" - ông Nguyễn Viết Vân nói.
Dốc hết lòng vì người nghiện, ông bàn bạc với gia đình rồi bán chiếc xe máy đi để mua máy ép nước mía giúp 3 - 4 thành viên mở cửa hàng bán nước mía giải khát. Với điều kiện, sau này ổn định sẽ phải trả lại vốn để giúp người nghiện có mục tiêu phấn đấu. Và khi họ mang tiền đến trả là ông biết họ đã hoàn toàn cai được nghiện, hoàn lương trở về với cuộc sống đời thường.
"Tôi coi họ như con cháu trong nhà, nhẹ nhàng khuyên bảo, dùng tình cảm, sự chân thành để thuyết phục, không bao giờ được miệt thị, phân biệt. Nhìn thấy họ cai nghiện thành công tôi thấy rất vui sướng và hạnh phúc" - ông Nguyễn Viết Vân bộc bạch.
Không chỉ giúp cai nghiện, ông Nguyễn Viết Vân còn mai mối cho 10 cặp đôi cai nghiện thành công nên vợ, nên chồng. Hễ nhà ai trong câu lạc bộ khó khăn, ông sẵn sàng bỏ tiền túi rồi vận động các ban ngành đoàn thể giúp đỡ, hỗ trợ để họ có thêm niềm tin vào cuộc sống.
Từng có 7 năm nghiện ma túy, anh Lê Văn Hùng trú tại phường Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) tâm sự: "Ban đầu tôi ghét bác Vân lắm, cứ thấy đến nhà là tôi đuổi về, không thì tôi đi nơi khác. Sau 2 năm bác kiên trì đến nhà vận động tôi cũng được cảm hóa bằng tình cảm và quyết tâm cai nghiện".
Những ngày cai nghiện đã qua hơn chục năm nhưng hình ảnh vẫn hằn sâu trong tâm trí anh. Để tránh việc anh quay trở lại với con đường nghiện ngập, ông Nguyễn Viết Vân đã hướng dẫn anh làm nghề bán nước. Đến nay, công việc của anh tiến triển tốt, lại có được sức khỏe và sự quý trọng từ mọi người.
"Mẹ tôi và gia đình vui lắm, mọi người cảm ơn bác Vân rất nhiều. Không có bác, giờ này tôi chẳng biết mình đang ở đâu. Tôi coi bác Vân như người cha thứ hai và câu lạc bộ B93 phường Kim Mã như gia đình vậy, chỉ mong đến ngày sinh hoạt để được gặp mọi người" - anh Lê Văn Hùng tâm sự.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Thị Vượng - Chủ tịch UBND phường Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) - cho biết: "Ông Vân là một người rất có tâm, hiện đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của phường. Mặc dù bị nhiễm chất độc hóa học, sức khỏe bị ảnh hưởng rất nhiều nhưng ông luôn nhiệt tình hết sức trong hoạt động chống ma túy và cải tạo người nghiện về với xã hội"
Bà Nguyễn Thị Vượng cho rằng, những gì ông làm đã đóng góp rất lớn cho trật tự trị an của phường Kim Mã. Trong những năm qua nhờ sự vào cuộc của ông Nguyễn Viết Vân nói riêng và các cấp ban ngành phường Kim Mã nói chung, tệ nạn nghiện ma túy trên địa bàn phường giảm đáng kể.