Vụ bé gái ở Hà Đông: Cảnh báo lớn đối với các gia đình
(Dân trí) - "Trường hợp xâm hại trẻ em này là sự cảnh báo cho các gia đình và cần bị xã hội lên án" - TS. Nguyễn Hải Hữu - nguyên Cục trưởng Cục trẻ em nhận định về vụ xâm hại cháu bé 12 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội.
Cần sự can thiệp kịp thời hơn
Bày tỏ quan điểm, TS. Nguyễn Hải Hữu - Nguyên Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) - cho rằng đây không phải trường hợp cá biệt, mà xảy ra rất phổ biến thời gian gần đây.
"Chuyện người tình của mẹ hay bố dượng xâm hại con riêng của vợ không phải là ít. Về vụ việc này, tôi cho rằng là một trong những trường hợp không thể chấp nhận, cả xã hội cần phải lên án".
Theo ông Hữu, đây cũng là bài học cho công tác quản lý trẻ em tại từng địa phương và sự đòi hỏi nâng cao hơn nữa vai trò của các nhân viên công tác xã hội. Bên cạnh đó cũng cho thấy sự thiếu hụt trong việc hệ thống bảo vệ trẻ em, mới chỉ quan tâm đến nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chứ chưa quan tâm đến nhóm trẻ có nguy cơ cao.
"Điều này đòi hỏi nhân viên làm công tác xã hội cần lập những danh sách đầy đủ những trẻ có nguy cơ bị xâm hại. Nếu chúng ta phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời thì vụ việc đau lòng trên có lẽ đã không xảy ra", TS. Hữu nhận định.
Nên có hệ thống "mềm" để bảo vệ trẻ em
Từ vụ việc trên, TS. Nguyễn Hải Hữu cho rằng nếu muốn xây dựng một mạng lưới bảo vệ trẻ em thật hiệu quả thì cần có một hệ thống "mềm", linh hoạt và bền vững bao gồm: Phòng ngừa, phát hiện sớm nguy cơ xâm hại trẻ em và hỗ trợ tái hòa nhập.
Tuy nhiên để làm được như vậy cần phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Thêm nữa là người dân có ý thức được trách nhiệm vào việc bảo vệ trẻ em ở cộng đồng mình hay không.
"Khi bạn thấy hàng xóm đánh con, liệu chúng ta có ngay lập tức sang can ngăn, rồi báo cho công an. Sau đó, sự hỗ trợ tức của cơ quan hành pháp xuất hiện để có biện pháp can thiệp kịp thời hay không?", TS. Hữu nói.
Theo vị chuyên gia này, ở các nước tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ đã làm điều này rất tốt. Đơn cử như khi hai bố con đang đi trên đường nhưng em bé lại tỏ thái độ vùng vằng, người khác nhìn thấy hoàn toàn có thể báo với cảnh sát khu vực đó.
"Do nghi ngờ là vụ bắt cóc trẻ em, cảnh sát chỉ cho đi khi người bố này trình đầy đủ giấy tờ chứng minh đây là con mình. Họ làm chặt chẽ như thế thì trẻ em mới được bảo vệ một cách an toàn trước nguy cơ bị bạo hành, xâm hại", TS. Hữu cho biết.
Ông Nguyễn Hải Hữu cho biết thêm, hệ thống luật pháp bảo vệ trẻ em của các nước phát triển rất chặt chẽ. Ông lấy dẫn chứng bên Nhật Bản, trẻ em dưới 11 tuổi không được đi ra ngoài một mình. Trong khi đó, người dưới 18 tuổi bên nước Anh bắt buộc phải sống bên cạnh gia đình, người thân.
"Làm chặt chẽ như nước bạn sẽ giảm thiểu rất nhiều nguy cơ xảy ra việc đáng tiếc với trẻ em. Ở Việt Nam, các bậc phụ huynh thường hay xao nhãng con em mình; hậu quả là dẫn đến nhiều vụ bắt cóc hay đuối nước thương tâm đã xảy ra", ông nói.
Như báo giới đã thông tin, ngày 21/2, Viện KSND quận Hà Đông (Hà Nội) đã phê chuẩn quyết định khởi tố 2 bị can trong vụ án "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi và hành hạ con" xảy ra tại quận Hà Đông.
Bị can Phạm Thanh Tùng - người tình của mẹ cháu B. - bị khởi tố về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" theo quy định tại Điều 142, khoản 2 - Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Bị can Hoàng Thị Thu Huyền - mẹ cháu B. - bị khởi tố về tội "Hành hạ con" theo quy định tại Điều 185, khoản 2 - Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Qua xác định ban đầu, từ tháng 5/2020 - 1/2021, lợi dụng lúc Huyền không có nhà, Tùng đã nhiều lần lạm dụng tình dục với cháu B.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra còn xác định cháu B. thường xuyên bị mẹ đẻ sử dụng ống nước, dây điện, gậy tre đánh vào tay, chân, lưng khi cháu không vâng lời.