TPHCM:
Người bán hàng rong gặp khó do Covid-19 mong chờ sự hỗ trợ
(Dân trí) - Buôn bán ế ẩm kéo dài, những người bán hàng rong tại TPHCM đang chật vật xoay xở để duy trì cuộc sống. Bởi vậy, họ rất mừng khi nghe tin sắp được hỗ trợ. Ai cũng háo hức mong chờ...
Tiếp động lực cho lao động nghèo
Mấy tháng qua, bà Hồng Tuyết Mai (68 tuổi) bán đồ chơi trẻ em trước cổng Thảo Cầm Viên (Quận 1) luôn ế ẩm. Bà đang rầu rĩ vì trăm thứ tiền mà chưa biết kiếm đâu ra trang trải.
Biết tin tức về chương trình hỗ trợ của TP, bà mừng rỡ ví von sự hỗ trợ kịp thời này "như tiếp thêm chút động lực vượt qua giai đoạn khó khăn".
"Sáng sớm nay tôi chạy qua tổ trưởng dân phố xin cái đơn về ký để nhận hỗ trợ. Cô tổ trưởng nói giờ chưa có, chừng nào có là kêu tôi liền. Vì "chôn vốn" trong đống đồ chơi mà không bán được nên tôi buồn dữ lắm. Đang không biết xoay xở sao thì đọc báo thấy tin này, tôi mừng vô cùng", bà Mai tâm sự.
Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, mỗi ngày bà Mai bán được hơn 100.000 đồng, những ngày cuối tuần có khi bán được đến 700.000-800.000 đồng. Còn giờ thì có ngày chẳng bán được đồng nào.
Gia tài của bà hiện chưa có đến 300.000 đồng, tiền vốn hiện nằm hết trong đống đồ chơi ế ẩm.
"Cả tháng nay tôi không bán được đồng nào. Dù ế nhưng tôi cũng phải ăn uống, rồi còn cả đống đồ chơi này nên phải ráng ra ngồi, bán được bao nhiêu hay bấy nhiêu", bà Mai nói.
Thời gian qua, bà toàn mượn tiền người ta để xoay xở qua ngày. Sáng nay, bà cũng mới chạy đi xin 2 kg gạo về ăn...
Hồi hộp chờ đợi
Với bà Nguyễn Thị Hoa (56 tuổi), công việc bán nước giải khát trên vỉa hè đường An Dương Vương (Quận 5) cũng đang chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi dịch Covid-19.
"Chồng tôi chạy xe ôm, con rể làm thợ sửa xe, con gái cũng bán nước giống tôi mà tất cả đều đang thất nghiệp vì dịch bệnh. Công việc của tôi là thu nhập chính gồng gánh cả gia đình", bà Hoa cho biết.
Theo bà Hoa, cả tháng nay mỗi ngày bà bán được 2-3 ly nước, hôm nào đắt khách lắm mới kiếm được khoảng 70.000-80.000 đồng.
Hiện bà có đứa cháu nhỏ hơn 6 tháng tuổi, bà cố bám trụ đường phố giữa mùa dịch là để có tiền mua sữa cho cháu, có dư thêm thì góp vào chi phí sinh hoạt cho cả gia đình.
Bởi vậy, khi nghe sắp có hỗ trợ qua đài phát thanh, bà cứ hồi hộp, trông ngóng. "Tôi mừng lắm! Mà chưa nghe bên phường thông báo gì nên không biết mình có nằm trong diện được nhận hỗ trợ hay không, được nhận hỗ trợ bao nhiêu...", bà Hoa nói.
Còn chị Nguyễn Ngọc Bích (44 tuổi) đến khi nghe phóng viên Dân trí hỏi mới biết có chính sách này. Chị Bích rất mừng khi nghe tin này vì gia đình đang quá khó khăn.
Chị hành nghề bán bánh nướng dạo dọc trục đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Quận Bình Thạnh) hơn 10 năm nay. Nếu trước đây, chị bán được 10 phần mỗi ngày thì nay giảm xuống chỉ còn 3 phần.
Chồng chị chạy xe ôm, vì dịch bệnh nên thu nhập cũng bấp bênh, mỗi ngày chỉ kiếm được khoảng 20.000-50.000 đồng.
"Giờ mới biết là mình sắp nhận được hỗ trợ như vậy, tôi rất mừng. Dù vậy, tôi vẫn cố giữ tâm trạng thật bình thản, tiếp tục tự lực đi bán bánh kiếm đồng ra đồng vào, chứ không thể chỉ trông vào hỗ trợ thôi được...", chị Bích tâm sự.
Theo chị Bích, hôm trước, tổ trưởng dân phố đến tận nhà thu bản photo chứng minh nhân dân và giấy tạm trú để chuẩn bị làm giấy hỗ trợ lao động mùa Covid.
Nhưng vì không biết chữ và cũng không có điện thoại thông minh hay tivi nên chị Bích vẫn cứ ngờ ngợ, chưa nắm rõ thông tin gì về gói hỗ trợ của thành phố.