PhotoStory

"Nghĩa trang liệt sỹ" không nấm mồ bên dòng Thạch Hãn

Thực hiện: Tiến Thành - Dương Nguyên

(Dân trí) - Thành cổ Quảng Trị gắn liền với cuộc chiến 81 ngày đêm hào hùng của dân tộc ta. Nơi đây được xem là nghĩa trang liệt sỹ không nấm mồ của các anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc.

Nghĩa trang liệt sỹ không nấm mồ bên dòng Thạch Hãn - 1

Thành Cổ Quảng Trị được xây dựng từ thời vua Gia Long và đến thời vua Minh Mạng mới hoàn thiện, kéo dài gần 28 năm (1809-1837). Đây là một kiệt tác kiến trúc quân sự độc đáo với chu vi khoảng 2.160m. 

Thành được bảo vệ bởi hệ thống hào nước xung quanh, mỗi góc của thành được tăng cường một pháo đài nhô ra, tạo thành hệ thống phòng thủ vững chắc.

Nghĩa trang liệt sỹ không nấm mồ bên dòng Thạch Hãn - 2
Nghĩa trang liệt sỹ không nấm mồ bên dòng Thạch Hãn - 3
Nghĩa trang liệt sỹ không nấm mồ bên dòng Thạch Hãn - 4

Nhắc đến Thành cổ Quảng Trị là nhắc đến cuộc chiến đấu 81 ngày đêm vào "mùa hè đỏ lửa" 1972 (28/6-16/9/1972), một trong những biểu hiện sinh động nhất cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại.

Chỉ trong 81 ngày đêm, Mỹ và quân đội Sài Gòn đã ném xuống Thành cổ Quảng Trị hơn 328.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Riêng ngày 25/7/1972, Thành cổ Quảng Trị hứng chịu hơn 5.000 quả đại bác.

Để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, có biết bao anh hùng, liệt sỹ đã anh dũng ngã xuống, mang theo tuổi thanh xuân, bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất mẹ Quảng Trị. Cũng bởi vậy, Thành cổ Quảng Trị được xem là nghĩa trang liệt sỹ không nấm mồ.

Nghĩa trang liệt sỹ không nấm mồ bên dòng Thạch Hãn - 5

Do phải gánh chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ nên từ sau ngày đất nước giải phóng, Thành cổ Quảng Trị hầu như bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại hình dạng hệ thống tường thành với một số đoạn tường xây gạch loang lổ vết đạn.

Nghĩa trang liệt sỹ không nấm mồ bên dòng Thạch Hãn - 6

Ngày 9/12/2013, Thành cổ Quảng Trị đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia đặc biệt, gắn với sự kiện lịch sử 81 ngày đêm. Thành cổ Quảng Trị năm xưa là chiến trường ác liệt, hôm nay là màu của cây cỏ, hoa lá, màu xanh của sự sống đã hồi sinh.

Nghĩa trang liệt sỹ không nấm mồ bên dòng Thạch Hãn - 7
Nghĩa trang liệt sỹ không nấm mồ bên dòng Thạch Hãn - 8

Được sự quan tâm đầu tư của các cấp và chính quyền, Di tích Thành cổ Quảng Trị đã có nhiều thay đổi, bên cạnh bảo tồn những yếu tố gốc còn lại sau chiến tranh; nhiều công trình tri ân, tưởng niệm đã được trùng tu, xây dựng, nhằm đáp ứng nhu cầu viếng thăm của hàng vạn lượt khách trong và ngoài nước mỗi năm.

Nghĩa trang liệt sỹ không nấm mồ bên dòng Thạch Hãn - 9

Nằm ở vị trí trung tâm của Thành cổ Quảng Trị là đài tưởng niệm, nơi để người dân khắp mọi miền đất nước dâng hương, dâng hoa, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ đã không tiếc xương máu, mãi mãi nằm lại ở vùng đất này.

Nghĩa trang liệt sỹ không nấm mồ bên dòng Thạch Hãn - 10
Nghĩa trang liệt sỹ không nấm mồ bên dòng Thạch Hãn - 11

Đài tưởng niệm ở Thành cổ Quảng Trị được xây dựng mô phỏng như một ngôi mộ tập thể, thiết kế theo quan niệm triết lý âm dương. Dưới chân đài tượng niệm được đắp theo hình bát giác, tượng trưng cho bát quái. Đài tưởng niệm có 81 bậc thang đi lên, tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị.

Phía trên đài tưởng niệm là mái đình Việt cách điệu, 1 cây đèn màu đỏ được xem như cây thiên mệnh, là cầu nối giữa trời và đất để chuyển tải linh hồn các anh hùng liệt sỹ về cõi vĩnh hằng.

Nghĩa trang liệt sỹ không nấm mồ bên dòng Thạch Hãn - 12
Nghĩa trang liệt sỹ không nấm mồ bên dòng Thạch Hãn - 13
Nghĩa trang liệt sỹ không nấm mồ bên dòng Thạch Hãn - 14

Đến với Thành cổ Quảng Trị, một địa chỉ không thể bỏ qua đó là Bảo tàng Thành cổ, không quá lớn và quy mô nhưng những di vật bên trong bảo tàng đã phần nào nói lên sự ác liệt của chiến trường Quảng Trị năm 1972.

Theo Ban quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, vào dịp Kỷ niệm Ngày thương binh - Liệt sỹ 27/7 hằng năm, trung bình mỗi ngày, nơi đây đón khoảng 50 đoàn khách với hơn 1.000 lượt người đến viếng, dâng hương.

Thành cổ Quảng Trị trở thành một công viên văn hóa tưởng niệm; nơi khắc dấu những chiến công bất tử của quân và dân ta; nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Nghĩa trang liệt sỹ không nấm mồ bên dòng Thạch Hãn - 15
Nghĩa trang liệt sỹ không nấm mồ bên dòng Thạch Hãn - 16
Nghĩa trang liệt sỹ không nấm mồ bên dòng Thạch Hãn - 17

Bên Thành cổ Quảng Trị là dòng Thạch Hãn. "Mùa hè đỏ lửa" năm 1972, hàng vạn chiến sỹ quân giải phóng vượt sông dưới "mưa bom bão đạn" vào giữ Thành cổ.

Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 và các ngày lễ, nhân dân tỉnh Quảng Trị và nhiều cựu chiến binh cả nước lại về bên bờ sông Thạch Hãn, thành kính thả hoa đăng, tri ân các anh hùng, liệt sỹ.

Tập quán thả hoa trên sông Thạch Hãn đã trở thành lễ hội tâm linh, để tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh trong trận chiến đấu kéo dài 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Ảnh: Tiến Thành - Dương Nguyên và Tư liệu