"Nghỉ hưu sớm 12 năm sẽ bị trừ 24% lương hưu, mỗi năm mất 2%"?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Nhiều lao động hiểu lầm là nghỉ việc và ngừng đóng bảo hiểm xã hội sớm hơn tuổi nghỉ hưu quy định, đến khi được nhận thì lương hưu rất thấp vì mỗi năm nghỉ việc sớm bị trừ 2% lương hưu...

Tại tọa đàm về Bảo hiểm xã hội ở TPHCM mới đây, anh T. cho biết đã đi làm và đóng BHXH bắt buộc từ năm 20 tuổi. Sau khi tham gia BHXH được 14 năm, anh muốn nghỉ việc để rút BHXH một lần vì sợ đóng qua mốc 15 năm sẽ không được rút nữa. T. dự định sẽ đi làm công việc thời vụ trong 1 năm, rút BHXH một lần xong sẽ xin đi làm công nhân trở lại.

Theo anh T., nguyên nhân anh muốn rút BHXH một lần vì sợ làm đến 40-50 tuổi thì không đủ sức làm công nhân hoặc công ty tìm cách ép lao động lớn tuổi nghỉ việc. Khi đó, anh đã đóng BHXH được 20-30 năm thì không thể rút BHXH một lần mà phải chờ vài chục năm, đến năm 62 tuổi mới đủ tuổi nghỉ hưu, được lãnh lương hưu.

Anh T. tính: "Khỏe lắm thì 50 tuổi cũng phải nghỉ công nhân. Lúc đó, tôi nghỉ việc thì đã đóng BHXH được 30 năm, lương hưu sẽ là 65% lương tháng đóng BHXH. Nhưng mỗi năm nghỉ việc sớm thì bị trừ 2%. Tôi nghỉ sớm 12 năm thì bị trừ 24%. Như vậy lương hưu chỉ còn 41%, làm sao đủ sống?".

Cũng như anh T., chị Ch. đã đóng BHXH được gần 12 năm và đang có ý định rút BHXH một lần vì lo lắng rơi vào tình cảnh như anh T. tính toán. Chị thắc mắc: "Em tính khoảng 40 tuổi là nghỉ làm công nhân mà chờ gần 20 năm sau mới đến tuổi lãnh lương hưu thì trong thời gian này lương hưu bị trừ % hết, đến tuổi được nhận lương hưu thì con bao nhiêu đâu mà lãnh?".

Chủ tịch công đoàn một công ty may mặc có hơn 2.000 công nhân ở TPHCM cho biết, thông tin về việc người lao động đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 15 năm trở lên không được rút BHXH một lần mà phải chờ đến tuổi nghỉ hưu để được lĩnh lương hưu khiến nhiều công nhân lo ngại, nhiều người đóng BHXH gần đủ 15 năm có ý định nghỉ việc để rút BHXH một lần.

Người lao động muốn hưởng BHXH một lần là vì nhiều lý do như tuổi nghỉ hưu cao, sợ không đủ sức khỏe làm việc đến tuổi nhận lương hưu; mức lương hưu thấp, không đủ sống; muốn có số vốn lớn để khởi nghiệp khi không còn đủ sức làm công nhân…

Ngoài ra, có một lý do mà nhiều công nhân đề cập khi muốn rút BHXH một lần là "sợ bị trừ tỷ lệ lương hưu khi nghỉ việc" và dừng đóng BHXH sớm hơn tuổi nghỉ hưu quy định. Đây là thông tin sai lệch do người lao động chưa hiểu rõ chính sách BHXH.

Nghỉ hưu sớm 12 năm sẽ bị trừ 24% lương hưu, mỗi năm mất 2%? - 1

Nhiều lao động hiểu lầm là bị trừ tỷ lệ lương hưu khi nghỉ việc trước tuổi nghỉ hưu quy định (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Thực tế, mức lương hưu chỉ bị giảm trừ khi người lao động thuộc các trường hợp được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu quy định tại Nghị định 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Ưu tiên này chỉ dành cho những người lao động làm việc lâu năm ở các ngành nghề độc hại, nguy hiểm, vùng đặc biệt khó khăn…

Với nhóm ưu tiên được nghỉ hưu sớm này, cứ mỗi năm nghỉ hưu sớm hơn tuổi nghỉ hưu quy định thì lương hưu bị trừ 2%. Nhưng bù lại, người lao động được lợi vì lĩnh lương hưu sớm hơn, ngay tại thời điểm nghỉ việc chứ không cần chờ đến khi đủ tuổi nghỉ hưu quy định.

Còn người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, có đủ số năm đóng BHXH để lĩnh lương hưu nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu, quyết định nghỉ việc sớm thì có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH, chờ đến khi đủ tuổi để lĩnh lương hưu. Trong trường hợp này, mức lương hưu sẽ không bị giảm trừ như trường hợp nghỉ hưu trước tuổi quy định.

Ví dụ, năm 2023, ông A. và ông B. cùng nghỉ việc khi 55 tuổi 9 tháng và có 25 năm đóng BHXH. Ông A. đủ điều kiện để được nghỉ hưu sớm vì có 15 năm làm công việc độc hại. Ông B. làm công việc bình thường, phải bảo lưu quá trình đóng BHXH và chờ đến tuổi nghỉ hưu mới được lĩnh lương hưu.

Với 25 năm đóng BHXH, lương hưu của ông A. là 55%. Nhưng vì ông A. nghỉ hưu trước tuổi nghỉ hưu quy định 5 năm nên bị trừ 10%, mức lương hưu còn 45% lương tháng đóng BHXH. Tuy nhiên, ông A. được hưởng chế độ hưu trí ngay từ năm 2023 vì đủ điều kiện nghỉ hưu sớm hơn tuổi quy định.

Còn ông B. làm việc trong điều kiện bình thường nên không đủ điều kiện để được nghỉ hưu sớm. Năm 2023, ông B. quyết định nghỉ việc thì làm thủ tục bảo lưu quá trình đóng BHXH, chờ đến năm 2028 (đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định với lao động nam là 62 tuổi) mới được hưởng chế độ hưu trí. Lúc này, với 25 năm đóng BHXH, lương hưu của ông B. là 55% lương tháng đóng BHXH, cao hơn mức 45% của ông A.