Nghề công tác xã hội dần khẳng định vị thế trong mọi mặt đời sống
(Dân trí) - Đến nay, người làm công tác xã hội đã xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực đời sống của TPHCM, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội liên tục phát sinh trên địa bàn thành phố.
Ngày 22/3, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức lễ kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 8 (25/3/2016-25/3/2024).
Tại buổi lễ, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội TPHCM, khẳng định: "Kể từ khi được công nhận chính thức là một nghề đến nay, công tác xã hội dần khẳng định vị thế của mình trong nhiều lĩnh vực".
Theo ông Thinh, ngay sau khi Chính phủ phê duyệt đề án 32 về phát triển nghề công tác xã hội vào năm 2010, các bộ ngành đã triển khai đề án ở từng lĩnh vực quản lý, giúp nhân viên công tác xã hội thực hiện công tác chuyên môn hiệu quả nhất.
Sau 14 năm thực hiện, ngành công tác xã hội trở thành một nghề chính thức, được đào tạo trình độ từ cao đẳng đến tiến sĩ. Mô hình công tác xã hội được tổ chức thực hiện trong hệ thống trường học, bệnh viện, các cơ sở trợ giúp xã hội nhằm giúp đỡ cho học sinh, bệnh nhân, người có hoàn cảnh khó khăn...
Ông Lê Văn Thinh cho biết: "Cùng với cả nước, TPHCM luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị, xã hội".
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM giới thiệu hàng loạt chương trình nổi bật giải quyết những vấn đề xã hội của thành phố như: giảm nghèo bền vững, phổ cập giáo dục bậc phổ thông trung học; dạy nghề cho lao động nông thôn; phòng, chống HIV-AIDS; chăm sóc và bảo vệ trẻ em…
Đặc biệt, trong năm 2023, Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 7 trường đại học, học viện có đào tạo ngành này về chương trình phát triển công tác xã hội trên địa bàn TPHCM đến năm 2030.
Ông Lê Văn Thinh chia sẻ: "Sở phối hợp với công tác đào tạo ở trường, tổ chức cho sinh viên đi thực tế tại các cơ sở bảo trợ xã hội mà thành phố đang quản lý, giúp các em biết được môi trường làm việc của ngành mình đang học như thế nào".
Tại buổi lễ, ông Lê Văn Thinh trân trọng đọc thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội.
Trong thư, Bộ trưởng ghi nhận và biểu dương các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công tác xã hội luôn đoàn kết, vượt qua khó khăn, tận tình hỗ trợ người dân, gia đình, cộng đồng cần sự trợ giúp, góp phần thực hiện mục tiêu vì sự phát triển của đất nước.
Bộ trưởng viết: "Nghề công tác xã hội là nghề hướng đến trợ giúp cho các cá nhân, gia đình, cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng yếu thế. Để giúp họ phát triển khả năng bản thân, tự vươn lên hòa nhập đời sống cộng đồng, rất cần sự quan tâm, chia sẻ từ cộng đồng và xã hội".
Chia sẻ tại buổi lễ, tiến sĩ Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Trường Đại học Lao động - Xã hội (cơ sở 2), bày tỏ vinh dự khi thấy ngành ngày càng được xã hội trân trọng.
Theo ông, mọi năm, các trường tự tổ chức kỷ niệm. Năm nay là năm đầu tiên thành phố tổ chức kỷ niệm chung với sự tham dự của tất cả các đơn vị đào tạo, hoạt động trong ngành. Trước ngày kỷ niệm, Bộ trưởng LĐ-TB&XH cũng gửi thư chúc mừng đến từng trường.
"Điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo đến ngành công tác xã hội, vai trò của nghề ngày càng lớn trong việc giải quyết các vấn đề xã hội", tiến sĩ Thành nhận định.
Phó giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Văn Chẩn, Trưởng khoa Công tác xã hội Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, đồng tình: "Chúng tôi cảm nhận thấy ngành công tác xã hội đang được Đảng và nhà nước quan tâm. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới".