Công tác xã hội có vai trò quan trọng trong ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu
(Dân trí) - Ngày 10/11, Báo Dân trí phối hợp Cục Bảo trợ xã hội tổ chức hội thảo "Công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu" tại TPHCM, thu hút hàng trăm đại biểu đến từ các tổ chức, ban ngành, cùng nhiều giảng viên, sinh viên tham dự.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Trong 20 năm qua, các loại thiên tai đã khiến 13.000 người thiệt mạng và gây thiệt hại 6,4 tỷ USD. Biến đổi khí hậu gây sức ép lên an sinh xã hội, dự kiến đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 30 triệu người cần trợ giúp xã hội.
Thứ trưởng Hồi nhận định, công tác xã hội có vai trò quan trọng ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số khó khăn tồn tại khi nguồn lực tài chính, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hạn chế trong khi tác động của biến đổi khí hậu với Việt Nam ngày càng phức tạp, khó lường.
"Hội thảo hôm nay là diễn đàn quan trọng để trao đổi, thảo luận giữa các bên, tìm ra những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu trong thời gian tới", Thứ trưởng Hồi nói.
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức cho biết, Việt Nam có khuôn khổ pháp lý về nghề công tác xã hội tương đối đầy đủ. Hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã hoàn thiện nghị định về công tác xã hội, chuẩn bị lấy ý kiến thành viên Chính phủ. "Khi nghị định này có hiệu lực thì đây sẽ là văn bản pháp lý cao nhất và hệ thống hóa quy định để làm cơ sở pháp lý triển khai lực lượng làm công tác xã hội chuyên nghiệp", ông Đức thông tin.
Hiện tại, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phát triển mạng lưới lực lượng làm công tác xã hội ở cấp xã phường, các cơ sở với 235.000 người. Đồng thời, cũng đã phát triển được mạng lưới cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở ngành lao động trên phạm vi cả nước; phát triển bộ phận phòng công tác xã hội ở các bệnh viện (tất cả bệnh viện tuyến trung ương và tỉnh đều đã có bộ phận này và hoạt động hiệu quả).
Với 2 phiên thảo luận với chủ đề "Thực trạng, tình hình trong công tác xã hội đối với biến đổi khí hậu" và "Góc nhìn, kết quả và đề xuất giải pháp trong công tác xã hội đối với biến đổi khí hậu", các chuyên gia, lãnh đạo các sở ngành chia sẻ nhiều thông tin về công tác này trong thời gian qua và đề xuất nhiều giải pháp để hoạt động hiệu quả hơn.
Nhân sự công tác xã hội có vai trò quan trọng
Mở đầu phiên thảo luận đầu tiên, ThS. Nguyễn Thu Hiền, Phòng thích ứng biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp các thông tin về tình hình biến đổi khí hậu và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay ở Việt Nam.
Theo bà Hiền, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động bởi biến đổi khí hậu, trải rộng trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội như tài nguyên môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, hạ tầng đô thị và nhà ở, giao thông vận tải, du lịch, thương mại, công nghiệp, năng lượng và hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Đi sâu xem xét tới một trong những tác động ít biết của biến đổi khí hậu là sức khỏe tâm thần, TS Nguyễn Trung Hải, Trường đại học Lao động - Xã hội, chỉ ra thực tế rằng việc trải qua các vấn đề như: thời tiết cực đoan, chứng kiến người thân qua đời vì thiên tai hoặc thất nghiệp vì dịch bệnh sẽ gây ra hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của người dân.
TS Nguyễn Trung Hải cho rằng nhân viên công tác xã hội có vị trí đặc biệt để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu đối với cá nhân, nhóm và cộng đồng. Công việc này bao gồm nâng cao nhận thức thay đổi thói quen, tư vấn cung cấp những thông tin giải tỏa lo lắng; thực hiện ứng phó với việc can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp, đáp ứng nhu cầu cơ bản cho người dân, kết nối điều phối các hoạt động từ thiện; hỗ trợ tâm lý, sức khỏe tâm thần; lập kế hoạch can thiệp hỗ trợ lâu dài…
Đánh giá về công tác đào tạo công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, PGS.TS. Nguyễn Thị Thái Lan, Phó trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, các trường đã có những nỗ lực để thay đổi chương trình đào tạo, nhằm đáp ứng thực tiễn nhưng chưa đủ, chưa đáp ứng nhu cầu. Bà Thái Lan dẫn chứng, hiện tại có 34 cơ sở đào tạo cử nhân, 9 cơ sở đào tạo thạc sĩ và 5 cơ sở đào tạo tiến sĩ. Tuy nhiên, số lượng sinh viên tốt nghiệp đang có xu hướng giảm.
Chưa được đãi ngộ xứng đáng
Bà Phan Hồng Hạnh, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long cho biết, biến đổi khí hậu tác động đến đời sống của người dân nhưng nội dung công tác xã hội chưa theo kịp, lực lượng còn mỏng và thực hiện nhiệm vụ trợ giúp là chính, còn công tác trong phòng ngừa, ứng phó hiệu quả chưa cao.
Thực tế cũng cho thấy nhu cầu công việc cao nhưng kinh phí rất ít. Trong khi đó, lương của những người làm ở cơ sở nếu không có cơ chế đặc thù chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng; những người làm cộng tác viên có ký hợp đồng với khối lượng công việc nhiều, phải tốt nghiệp đại học nhưng chỉ hưởng phụ cấp 1,8 triệu đồng/tháng. "Đó là lý do trường đại học không chiêu sinh được", bà Hạnh nói.
Ông Nguyễn Trí Lạc, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh ví von, những người làm công tác xã hội tốt nghiệp đại học ra, làm ở các cơ sở trợ giúp xã hội để phục vụ những người yếu thế và họ cũng trở thành những người yếu thế, không có cơ hội phát triển.
Truyền thông đóng vai trò tích cực trong ngăn chặn, ứng phó biến đổi khí hậu
Nhà báo Lại Quang Anh, Phó tổng thư ký tòa soạn báo Dân trí đã đưa ra nhiều giải pháp truyền thông, như tăng cường tuyên truyền trên báo chí về công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu; truyền thông về những vấn đề nổi cộm, hạn chế cản trở sự phát triển mạng lưới công tác xã hội; tổ chức các sự kiện truyền thông về công tác xã hội, thực hiện một cách chủ động để kịp thời lan tỏa đến công chúng.
Theo nhà báo Lại Quang Anh, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, công tác truyền thông cần đa dạng hình thức thông tin, không chỉ đưa tin bài trên các trang báo chính thống, mà có thể mở rộng tới các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok, Zalo,… để tiếp cận rộng rãi hơn đến thanh niên, học sinh, sinh viên trẻ tuổi, chú trọng đến những câu chuyện có sức lay động, truyền cảm hứng mà nhân viên công tác xã hội trên mọi miền đất nước đã thực hiện để giúp đỡ người dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, hạn hán.
"Việc tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức về công tác xã hội và biến đổi khí hậu, từ đó ủng hộ, giúp đỡ công tác này ngày càng tốt hơn", nhà báo Quang Anh kết luận.
Những chia sẻ, thảo luận tại hội thảo "Công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu" ngày 17/11 ở TPHCM thu hút sự tham gia của hàng trăm khách mời. Các diễn giả kỳ vọng hội thảo góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó phòng ngừa, giảm thiểu, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu tới cuộc sống người dân.