1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân sự công tác xã hội giúp người dân ứng phó hiệu quả trước biến đổi khí hậu

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Báo Dân trí vừa phối hợp Cục Bảo trợ xã hội tổ chức hội thảo "Công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu" tại Hà Nội, với đại biểu là các bộ ban ngành, chuyên gia và nhân sự ngành công tác xã hội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Phạm Tuấn Anh - Tổng biên tập Báo Dân trí cho biết, biến đổi khí hậu có những tác động ngày càng nghiêm trọng, khốc liệt, dữ dội hơn tại Việt Nam.

"Khoảng 10 năm trước, nói đến biến đổi khí hậu, chúng ta thường cảm thấy đó là câu chuyện ở rất xa, ở nước ngoài. Nhưng chỉ vài năm gần đây, biến đổi khí hậu đã tác động mạnh mẽ đến nước ta, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, kinh tế, xã hội của người dân", Tổng biên tập Phạm Tuấn Anh chia sẻ.

Nhân sự công tác xã hội giúp người dân ứng phó hiệu quả trước biến đổi khí hậu - 1
Toàn cảnh hội thảo "Công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu" do Báo Dân trí phối hợp Cục Bảo trợ xã hội tổ chức (Ảnh: BTC).

Dẫn chứng những hình ảnh, thống kê về ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lũ bất thường ở Đà Nẵng, lũ Nghệ An hay bão tại Quảng Trị…, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, thiên tai diễn ra trên diện rộng, từ miền núi, đồng bằng đến đô thị, đòi hỏi các ngành chức năng, mỗi địa phương phải đặc biệt đề cao cảnh giác, chủ động thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng bất thường.

Từ đó, Tổng biên tập Báo Dân trí khẳng định truyền thông báo chí và công tác xã hội song hành đóng vai trò quan trọng việc giúp đỡ người dân thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu, thông qua các hoạt động như nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và các tác động; hỗ trợ người dân xây dựng các kế hoạch thích ứng; cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân bị ảnh hưởng; thúc đẩy sự tham gia của người dân vào hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhân sự công tác xã hội giúp người dân ứng phó hiệu quả trước biến đổi khí hậu - 2
Nhà báo Phạm Tuấn Anh phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: BTC).

Hội thảo có 2 phiên tham luận là "Thực trạng, tình hình trong công tác xã hội đối với biến đổi khí hậu" và "Góc nhìn, kết quả và đề xuất giải pháp trong công tác xã hội đối với biến đổi khí hậu" với 7 bài trình bày của các chuyên gia, nhà báo.

Nhân sự công tác xã hội giúp người dân ứng phó hiệu quả trước biến đổi khí hậu - 3
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội nhấn mạnh về vai trò của nghề công tác xã hội trong việc làm cầu nối giúp người dân ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu (Ảnh: BTC).

"Việc tiếp cận để nhận ra nguy cơ của gia đình, xây dựng kế hoạch hỗ trợ khi xảy ra thiên tai, tập trung vào sinh kế, việc làm, nơi ở có khả năng phòng chống lụt bão, trang thiết bị, thực phẩm có thể ứng phó… Lĩnh vực công tác xã hội ở Việt Nam mới được 10 năm, đi rất sau so với lịch sử 100 năm của thế giới, nhưng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận và sẽ ngày càng chuyên nghiệp, với sự phát triển của nghề công tác xã hội", ông Tô Đức khẳng định.

Biến đổi khí hậu tác động tới mọi mặt của kinh tế - xã hội

Mở đầu phiên tham luận, TS. Phạm Văn Sỹ - Phòng Thích ứng biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu cung cấp các thông tin về tình hình biến đổi khí hậu và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay ở Việt Nam.

Theo ông Sỹ, dựa trên đánh giá năm 2025 Chương trình xã hội của Liên Hợp Quốc (UNDP), Việt Nam sẽ một trong những quốc gia chịu nhiều tác động bởi biến đổi khí hậu, trải rộng trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội như tài nguyên môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, đô thị và nhà ở, giao thông vận tải, du lịch, thương mại, công nghiệp, năng lượng và sức khỏe cộng đồng.

Nhân sự công tác xã hội giúp người dân ứng phó hiệu quả trước biến đổi khí hậu - 4
TS. Phạm Văn Sỹ trình bày tham luận "Tình hình biến đổi khí hậu và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay ở Việt Nam" (Ảnh: BTC).

"Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu và đã có những kết quả cụ thể trong nâng cao khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên và xã hội. Đó là giám sát khí hậu, cảnh báo sớm thiên tai; ứng phó với thiên tai, chống ngập cho các thành phố lớn, củng cố đê sông, đê biển và an toàn hồ chứa; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nước; xây dựng cộng đồng thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; bảo vệ, phát triển bền vững rừng và bảo tồn đa dạng sinh học", ông Sỹ cho biết.

Đi sâu xem xét tới một trong những tác động ít biết của biến đổi khí hậu là sức khỏe tâm thần, TS Nguyễn Trung Hải, Trường đại học Lao động - Xã hội, chỉ ra thực tế rằng việc trải qua các sự kiện thời tiết cực đoan hay chứng kiến người thân qua đời trong những thiên tai này sẽ gây ra hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của người dân, làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng, xung đột và vi phạm lợi ích, cũng như tạo ra những thách thức, rủi ro mới.

Do đó, TS Nguyễn Trung Hải cho rằng nhân viên công tác xã hội có vị trí đặc biệt để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu đối với cá nhân, nhóm và cộng đồng. Công việc này có thể bao gồm tư vấn tâm lý cho những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc kết nối các thành viên cộng đồng với dịch vụ hỗ trợ cũng như biện hộ chính sách.

Nhân sự công tác xã hội giúp người dân ứng phó hiệu quả trước biến đổi khí hậu - 5
GS. TS. Nguyễn Tuấn Anh của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đưa ra một số kiến nghị về chương trình học liên quan công tác xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu (Ảnh: BTC).

Việt Nam hiện có nhiều trường đào tạo nhân lực ngành công tác xã hội như Đại học Quốc gia, trường Đại học Công đoàn, trường Đại học Lao động - Xã hội.

GS. TS. Nguyễn Tuấn Anh của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra kiến nghị bổ sung, tăng cường kiến thức liên quan đến công tác xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu vào chương trình cử nhân công tác xã hội nhằm giúp sinh viên sau ra trường có đủ kiến thức, kỹ năng để thực hiện đầy đủ vai trò của mình.

Truyền thông đóng vai trò tích cực trong ngăn chặn, ứng phó biến đổi khí hậu

Tại phiên tham luận thứ hai, ông Dương Văn Hùng - cán bộ chương trình phòng chống thiên tai của UNDP cho biết cơ quan này hỗ trợ Việt Nam xây dựng thể chế chính sách, đào tạo cán bộ về nhận thức tác động thiên tai, giám sát theo dõi các chỉ số, cùng các địa phương xây nhà chống lũ, phục hồi rừng, thúc đẩy quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng.

Ngoài thành lập trạm Hệ thống Cảnh báo Sớm (EWS) ở 7 tỉnh, UNDP đang thực hiện dự án tăng khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ do thiếu nước tại 5 địa phương khác.

Nhân sự công tác xã hội giúp người dân ứng phó hiệu quả trước biến đổi khí hậu - 6
Đại diện UNDP tham gia với tham luận "Kinh nghiệm quốc tế về công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu ở một số nước và khuyến nghị với Việt Nam" (Ảnh: BTC).

Chia sẻ các tham luận liên quan đến vai trò của truyền thông về biến đổi khí hậu và phát triển công tác xã hội, nhà báo Phạm Xuân Hải - Trưởng Khối Thời sự Báo Dân trí và TS. nhà báo Hoàng Anh Tuấn - đại diện Tạp chí Người Làm Báo đều đánh giá cao tầm quan trọng của người làm báo trong việc tuyên truyền, ghi nhận, cảnh báo các tác động, diễn biến của biến đổi khí hậu cũng như là cầu nối cho hoạt động ứng phó, hỗ trợ khi xảy ra thiên tai.

PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhấn mạnh phải có góc nhìn đúng đắn về cách thức ghi nhận, tuyên truyền khi viết về rủi ro thiên tai. Nhà báo cần có hiểu biết thực tế cũng như kiến thức pháp luật khi tác nghiệp về công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.

Nhân sự công tác xã hội giúp người dân ứng phó hiệu quả trước biến đổi khí hậu - 7
Các nhà báo, chuyên gia đã bàn thêm về vai trò của truyền thông trong công tác xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu (Ảnh: BTC).

Từ kinh nghiệm thực tiễn về công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Hà Nam do ông Trần Hồng Sơn - Trưởng phòng Bảo trợ và phòng chống tệ nạn xã hội, Sở lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam chia sẻ, ông Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho rằng công tác xã hội phải phát huy được tính hỗ trợ, tiếp cận các đối tượng yếu thế.