Nghệ An: Mang "đông ấm" đến với người dân ở vùng cao Tương Dương
(Dân trí) - Có dịp lên với bản Piêng Cọc - nơi được mệnh danh là bản ở cao nhất của huyện nghèo Tương Dương. Piêng Cọc nằm ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển.
Mang "đông ấm" lên bản cao
Những ngày này, tại huyện Tương Dương (Nghệ An) nhiệt độ xuống thấp, có những xã biên giới, rẻo cao có thời điểm nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, thậm chí xuống đến 4-8 độ C vào sáng sớm và ban đêm.
Khoảng 8h sáng, sương mù vẫn giăng kín, những tiếng bước chân, tiếng cười nói của bà con ở các ngả đường. Nhà văn hóa cộng đồng bản Piêng Cọc, xã biên giới Mai Sơn nằm trên đỉnh Piêng Cọc, nơi được đoàn thiện nguyện chọn làm điểm tập trung bà con đến nhận quà rộn ràng hơn.
Một số thành viên trong đoàn, lần đầu tiên được cảm nhận cái giá rét cắt da thịt không khỏi ngạc nhiên, khi thấy nhiều cháu bé chỉ manh áo mỏng, hay nhiều cụ ông, cụ bà đội sương lạnh với chiếc khăn mỏng tang đến nhận quà.
Là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của bản, không đủ quần áo ấm nên từ đầu mùa đông cả gia đình ông Bá Cha phân công nhau chặt củi để những ngày giá rét đốt sưởi ấm.
Nhưng hôm nay, ông Bá Cha, bản Piêng Cọc không giấu nổi niềm vui khi được đón nhận những món quà mà đoàn thiện nguyện trao tặng.
Ông nói: "Mấy hôm nay nghe cán bộ nói có đoàn về tặng quà, nên ta ở nhà. Còn vợ con ta lại vào trong khu chăn nuôi, cách nhà xa lắm. Ở xa mới làm được rau, nuôi được con vật khỏi dịch bệnh. Ta xuống bản từ sớm, để được gặp các anh chị tốt bụng. Anh chị ấy cho đồ áo ấm, chăn ấm và cả tất, dép, chắc chắn về cả nhà ta vui lắm".
Mai Sơn, là một trong 4 xã biên giới của huyện Tương Dương với điều kiện kinh tế của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Toàn xã có 9 bản, với gần 557 hộ, gần 2.700 nhân khẩu, 3 dân tộc anh em là Thái, Mông, Khơ Mú cùng chung sống, trong đó dân tộc Mông, Khơ Mú chiếm hơn 60%...
Bằng cả trái tim
Mùa đông đến, tình trạng thiếu ăn, thiếu mặc vẫn thường diễn ra. Thông qua các kênh thông tin, nhiều đoàn thiện nguyện trong và ngoài huyện, thậm chí ngoài tỉnh vượt quãng đường dài hàng trăm km để đến với bà con nhân dân bằng cả trái tim và nhiệt huyết.
Họ đến với bà con bản làng, mong muốn sẻ chia, giúp người dân nơi đây phần nào xua tan cái giá lạnh giữa mùa đông nơi miền non cao xa xôi này.
Chị Trần Thị Yến, đại diện một đoàn thiện nguyện đến từ Thành phố Vinh, xúc động khi tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn mà người dân nơi đây đang phải gánh chịu.
"Về đây, tận mắt thấy bà con nơi đây rất thiệt thòi, nhất là các cháu, các em học sinh. Cái lạnh thấu da thịt mà các con mong manh trong chiếc áo mỏng tang, thương lắm. Chúng tôi quyết định về với bà con Piêng Cọc để tặng những phần quà như đồ dùng trong gia đình, đồ ấm, tất, dép, ủng và một số đồ dùng khác cho bà con, các con trẻ, để các cháu được đến trường, lớp yên tâm mà học tập", chị Trần Thị Yến cho biết.
Cách xã biên giới Mai Sơn khá xa, bản Cà Moong, xã Lượng Minh cũng là một trong những bản khó khăn, thuộc vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ của huyện Tương Dương.
Toàn bản Cà Moong với 100% đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống. Bản cách xa trung tâm xã khá xa, giao thông chủ yếu là đường thủy, cuộc sống của người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn. Mặc dù chính quyền địa phương cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ an sinh xã hội.
Tuy nhiên, mùa đông đến, thời tiết lạnh giá, người dân lại càng gặp nhiều khó khăn hơn bội phần. Từ nhiều năm nay, việc trao quà từ thiện đã được nhiều đoàn thiện nguyện thực hiện ở những vùng cao nơi đây. Chính vì những lẽ đó, những chuyến hàng thiện nguyện của các đoàn về với bà con, không chỉ sẻ chia khó khăn, mà còn góp phần lớn vào công tác an sinh xã hội xã nhà.
Ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh đánh giá: "Các đoàn thiện nguyện của thị trấn Thạch Giám và Đoàn Thành phố Vinh đến đây trao quà cho bà con, xã vui lắm, bà con lại càng vui hơn. Những món quà đến với bà con lúc này, rất ý nghĩa, thực sự mang hơi ấm đến với người dân chúng tôi".
Huyện biên giới Tương Dương hiện có 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở 154 bản làng. Huyện rất quan tâm đến chính sách an sinh xã hội. Do điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, trong khi phần lớn lại sống trên cao, nên mùa đông thường khắc nghiệt hơn.
Vì thế, bằng các kênh thông tin đại chúng, bằng sự quen biết hay bằng các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook huyện Tương Dương đã kêu gọi các nhà hảo tâm, các đoàn thiện nguyện mang nhiều phần quà ý nghĩa về với người dân.
Ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: "Với một huyện nghèo như Tương Dương, thì những món quà ý nghĩa đến từ các nhà hảo tâm đã mang đến cho người dân huyện nhà thực sự có ý nghĩa. Phần nào giúp người dân, nhất là các em nhỏ, học sinh ấm hơn trong mùa đông lạnh này. Ngoài ra còn tạo điều kiện để người dân từng bước ổn định cuộc sống".
Mong rằng sẽ có thêm nhiều tấm lòng hướng về đồng bào nghèo ở huyện Tương Dương nói riêng, các huyện biên giới Nghệ An nói chung để chia sẻ bớt khó khăn, giúp người dân có thêm điều kiện lao động sản xuất, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, an ninh quốc gia.
Sáng 25/1, trao đổi với PV Dân trí, ông Lô Thanh Nhất -PCT UBND huyện Tương Dương cho biết: "Từ đầu mùa đông đến nay, hiện vật mà các đoàn thiện nguyện tặng cho bà con vùng biên giới khó khăn của huyện Tương Dương với hàng ngàn chiếc chăn ấm, hàng ngàn áo ấm cho học sinh, cả ngàn đôi giày, tất ấm... Ngoài ra đoàn còn tặng dê cho hộ nghèo để phát triển kinh tế. Đặc biệt, theo thống kê chưa đầy đủ, các đoàn cũng đã tặng hàng tỷ đồng tiền mặt cho bà con nghèo của huyện Tương Dương trong dịp giá lạnh này và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021".