Nam sinh lớp 10 chạy xe máy "xé gió", tông cô giáo: Hồi chuông báo động!

Dương Nguyên

(Dân trí) - Hơn 7 tháng qua, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 37 vụ tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh làm 15 em tử vong, 35 em bị thương. Đây là những con số báo động.

Cô giáo tử vong dưới tay lái của học trò 

Cuối tháng 9, vụ việc nam sinh lớp 10 ở Hà Tĩnh điều khiển xe máy với tốc độ cao đâm nữ giáo viên tử vong gây xôn xao dư luận.

Khoảng 19h ngày 27/9, nam sinh H.N.N. (15 tuổi, trú tại xã An Dũng, huyện Đức Thọ, học lớp 10, Trường THPT Trần Phú, Hà Tĩnh) điều khiển xe máy chở theo N.Q.C. (14 tuổi, trú tại xã Bùi La Nhân, huyện Đức Thọ) lưu thông trên địa bàn thị trấn Đức Thọ.

Nam sinh lớp 10 phóng xe máy tông nữ giáo viên tử vong (Video: Người dân cung cấp).

Khi đến đường Yên Trung (tổ 8, thị trấn Đức Thọ), N. chạy với tốc độ cao, tông trúng xe máy của cô giáo H.T.T.H. (53 tuổi, giáo viên Trường Mầm non xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ) .

Nạn nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu, song không qua khỏi. 2 nam sinh cũng bị thương. Theo lãnh đạo địa phương, nữ giáo viên có 2 con nhỏ, hoàn cảnh khó khăn.

Vụ tai nạn không chỉ để lại nỗi đau, mất mát lớn cho gia đình nữ giáo viên mà đã dấy lên hồi chuông báo động về tình trạng học sinh chưa đủ tuổi vẫn điều khiển xe máy lưu thông trên đường.

Từ đầu năm đến nay, đây không phải là vụ việc đầu tiên xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh.

Nam sinh lớp 10 chạy xe máy xé gió, tông cô giáo: Hồi chuông báo động! - 1

Thiếu tá CSGT bị học sinh lớp 12 đi xe máy "thông chốt", tông trọng thương (Ảnh: Văn Nguyễn).

Tối 19/1, nam sinh Đ.Đ.V. (17 tuổi, học lớp 12, Trường THPT Thành Sen, TP Hà Tĩnh) điều khiển xe máy tốc độ cao trên phố Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh.

Theo lời khai, nam sinh này nhận thức được bản thân chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, chưa có bằng lái xe. Lo sợ sẽ bị xử lý, V. phóng xe "thông chốt" và tông trúng Thiếu tá Cảnh sát giao thông (CSGT) đang làm nhiệm vụ.

Nam cảnh sát bị tổn thương vùng đầu, dập phổi. Nam sinh sau đó bị khởi tố về tội "Chống người thi hành công vụ".

Tiếp đó, hồi tháng 5, ba nam sinh đang theo học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Kỳ Anh, gồm N.Q.A., N.D.T. và N.T.T. (cùng SN 2006), điều khiển xe máy trên quốc lộ 1A.

Nam sinh lớp 10 chạy xe máy xé gió, tông cô giáo: Hồi chuông báo động! - 2

Nam sinh Đ.Đ.V., học lớp 12 bị khởi tố về tội "Chống người thi hành công vụ" sau khi tông cảnh sát trọng thương (Ảnh: Công an cung cấp).

Khi đến đoạn qua thôn Hoa Trung, xã Kỳ Hoa, do không làm chủ được tốc độ, xe máy tông vào bồn hoa bên đường khiến người cầm lái là em N.Q.A. tử vong, 2 nam sinh còn lại trọng thương. Thời điểm xảy ra sự việc, N.Q.A. chưa đủ điều kiện để được cấp giấy phép lái xe mô tô.

Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh, từ cuối tháng 12/2023 đến cuối tháng 7/2024, trên địa bàn tỉnh này xảy ra 37 vụ tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh (từ 6 đến dưới 18 tuổi) làm 15 em tử vong, 35 em bị thương.

Tình trạng học sinh vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) diễn biến phức tạp, nhất là với học sinh THCS, THPT. Hành vi chủ yếu là các em chưa đủ điều kiện nhưng vẫn điều khiển xe máy điện, xe gắn máy, thậm chí cả mô tô tới trường; không đội mũ bảo hiểm; chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng; không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông.

Phụ huynh "tặc lưỡi" giao xe vì... con đi học nhiều quá

Cuối tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị về tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.

Thời gian qua, CSGT ở Hà Tĩnh đã phối hợp với ngành giáo dục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT, kỹ năng tham gia giao thông phù hợp với từng nhóm lứa tuổi học sinh, sinh viên.

Nam sinh lớp 10 chạy xe máy xé gió, tông cô giáo: Hồi chuông báo động! - 3

Công an TP Hà Tĩnh xử lý học sinh vi phạm pháp luật về ATGT (Ảnh: Công an cung cấp).

Về nguyên nhân gia tăng tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về ATGT trên toàn quốc cũng như Hà Tĩnh, trao đổi với phóng viên Dân trí, Trung tá Dương Thị Hồng Ngân, Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự Công an TP Hà Tĩnh, đề cập nhiều nguyên nhân.

Quan trọng nhất, nếu phụ huynh không mua xe, giao xe cho con sẽ không có tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện vi phạm. Tiếp theo là tinh thần chấp hành pháp luật giao thông của học sinh chưa cao. Nếu đủ tuổi điều khiển phương tiện mà không đội mũ bảo hiểm thì vấn đề do ý thức.

Sự phối hợp giữa các bên liên quan, giữa gia đình, nhà trường và cơ quan chức năng thời gian qua chưa thực sự nhuần nhuyễn.

"Hiện chúng tôi có đợt cao điểm ra quân xử lý tình trạng học sinh vi phạm quy định này. Từ đó các đơn vị sẽ có sự phối hợp tốt hơn", Trung tá Ngân nói.

Cũng theo Trung tá Ngân, khảo sát thực tế cho thấy hiện nay học sinh THCS, THPT đi học thêm quá nhiều. Trong khi đó, phụ huynh không có thời gian đưa đón con nên thường giải thích "biết là vi phạm nhưng đành tặc lưỡi bỏ qua".

Trên thực tế, TP Hà Tĩnh có 5 trường trung cấp nghề, học sinh THPT trên các huyện lân cận như Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên về học nhiều. Do khoảng cách xa, cha mẹ học sinh vẫn giao xe máy để con tự đi học dù chưa có giấy phép lái xe.

Thời gian tới, CSGT xác định công tác tuyên truyền, giáo dục vẫn là trọng tâm. Trên địa bàn cả nước nói chung và TP Hà Tĩnh nói riêng đang xây dựng mô hình cổng trường ATGT.

Với những học sinh có lỗi vi phạm nghiêm trọng, phức tạp như tháo biển số xe, đi xe dàn hàng ngang, phóng xe lạng lách, đánh võng, CSGT sẽ thông báo về công an xã, phường nơi cư trú để đưa vào danh sách quản lý, giáo dục cá biệt.