Nam phạm nhân thấy may vì... đi tù sớm
(Dân trí) - "May là tôi đi tù sớm nên tránh bị lún quá sâu vào bài bạc, nợ nần", phạm nhân L. (Nghệ An) nói trong buổi gặp gỡ người thân do Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An tổ chức.
Buổi đoàn tụ đặc biệt
"Bố ăn đi", cậu bé tầm 4 tuổi bẻ đôi chiếc bánh, đưa tận miệng bố năn nỉ. Người bố, trong bộ quần áo phạm nhân, lấy chiếc khăn giấy chấm vội lên mắt, không muốn để con thấy mình khóc. Anh chỉ cắn một miếng bánh nhỏ rồi bảo con trai ăn đi. Trong khi cậu con trai tập trung sự chú ý vào chiếc bánh, anh quay sang, trò chuyện gì đó với vợ.
Hơn 2 năm thụ án, đây là lần hiếm hoi anh L. (37 tuổi, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An) được ngồi trò chuyện trực tiếp với vợ, không bị ngăn cách bởi tấm kính đục ít lỗ. Bao nhiêu nhớ nhung, bao nhiêu điều muốn nói nhưng lúc này, anh lại chẳng biết nói gì.
Anh L. bị kết án 3 năm 1 tháng tù về tội Đánh bạc, thi hành án được gần 2 năm. "Tôi thấy may vì đi tù sớm, bởi nếu chưa bị bắt, chưa đi tù, có lẽ tôi đã lún sâu hơn vào bài bạc. Đã dính vào bài bạc, sớm muộn gì cũng khuynh gia bại sản, gia đình tan nát", anh L. trải lòng.
Nam phạm nhân chia sẻ, trong quá trình thi hành án, anh cũng như các phạm nhân khác được cán bộ quản giáo, Ban giám thị trại giam quan tâm, động viên nhưng cũng nghiêm khắc giúp họ nhìn ra lỗi lầm để quyết tâm cải tạo.
"Được gặp mặt vợ con là món quà động viên lớn nhất đối với những người như chúng tôi", anh L. chia sẻ về chương trình "Hội nghị gia đình phạm nhân" do Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An tổ chức sáng 18/9.
Phạm nhân T. (quê Thanh Chương, Nghệ An) hai tay ôm hai cô con gái nhỏ. 3 bố con thủ thỉ trò chuyện với nhau cả buổi. "Em Bo bị ốm bố ạ", nghe con gái thứ 3 nói về cậu em út mới 18 tháng tuổi, anh T. như lặng đi.
Người đàn ông này đang thi hành án về tội Đánh bạc. "Trước đó em bị phạt 7 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Đánh bạc. Chưa phải đi tù nên chưa biết sợ. Hôm đó đi thắp hương đám ma, thấy người ta chơi, em nhảy vào xin chơi 5 ván và bị bắt luôn", T. kể về con đường vào tù của mình.
Án treo thành án giam, cộng thêm án mới, tổng hình phạt là 31 tháng tù, T. mới thi hành được hơn 6 tháng. 6 tháng, đủ để T. thấm thía cái giá phải trả. Mà đâu phải mỗi mình T., còn vợ, con nữa.
Chồng đi tù, dù con còn nhỏ nhưng vợ T. phải gửi trẻ sớm, xin đi làm công nhân cho một nhà máy may ở huyện bên. Đồng lương công nhân chia 5 xẻ 7, thứ tiền học của con, thứ tiền sữa, tiền bỉm, tiền ăn uống, rồi tiền gửi lưu ký cho chồng.
"Nhiều đêm nằm chảy nước mắt chị ạ. Mình làm khổ vợ con nhiều quá", T. nói, đôi mắt loang loáng nước.
Vào đây, đối với những người như T., việc tưởng chừng đơn giản là được ôm con, cũng trở thành điều xa xỉ. Bởi vậy, T. rất biết ơn Ban giám thị đã tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân như một món quà động viên, tiếp thêm động lực, bồi đắp thêm điểm tựa để họ vững vàng hơn trên con đường trả án.
Điểm tựa tinh thần của những người trót mang lầm lỗi
Hội nghị gia đình phạm nhân Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An được tổ chức hàng năm, đã trở thành nỗi mong chờ của hơn 100 phạm nhân đang thi hành án ở đây.
Tại Hội nghị, họ được gặp mặt, tâm sự, giãi bày nỗi lòng với người thân. Bên cạnh đó, Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An cũng mời những vị khách đặc biệt đến giao lưu, trò chuyện, "tiếp lửa" cho những người đang trả án.
Đó là một cựu tù đã bước qua bóng tối của quá khứ, vươn lên làm lại cuộc đời và đang ngày đêm làm việc thiện nghĩa.
Đó là tâm sự nghẹn ngào nhưng đầy ắp yêu thương, tin tưởng của người vợ, người cha về người chồng, về đứa con khờ dại của mình sẽ đủ dũng khí để vượt qua thử thách của cuộc đời.
Và hơn cả, từ những sẻ chia, những lời tâm sự gan ruột này, các phạm nhân ở đây hiểu hơn hết ý nghĩa của tình thân, sự bao bọc của gia đình, để có thêm điểm tựa tinh thần trên con đường trả nợ pháp luật.
Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tá Nguyễn Công Dung , Phó giám thị Trại giam Công an tỉnh Nghệ An khẳng định, gia đình có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, định hướng, giúp đỡ người chấp hành án phạt tù trở thành lao động có ích cho gia đình, công dân tốt của xã hội.
"Do vậy, mỗi gia đình, mỗi thân nhân của người chấp hành án, biết phát huy đúng vai trò của mình, phối hợp chặt chẽ với trại tạm giam trong việc nắm bắt tâm tư, tình cảm, động viên tinh thần, hỗ trợ về vật chất và các nghĩa vụ pháp lý cho các phạm nhân.
Bên cạnh đó, sự đồng thuận của gia đình với công tác quản lý của trại sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi, giúp người chấp hành án phạt tù nhận thức được sai lầm, kiên quyết đoạn tuyệt với quá khứ để nỗ lực lao động, phấn đấu, học nghề, sớm trở về với gia đình và xã hội", Thượng tá Dung nói.
Theo Thượng tá Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng phòng Cảnh sát Hỗ trợ tư pháp và Thi hành án hình sự Công an tỉnh Nghệ An, thông qua Hội nghị gia đình phạm nhân, sẽ khơi dậy ý thức, trách nhiệm, tình cảm gắn kết giữa những người đi chấp hành án với gia đình, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân.
Sự gặp gỡ, động viên của thân nhân cũng tiếp thêm động lực cho phạm nhân phấn đấu cải tạo tốt, sớm hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.
Tại Hội nghị, các phạm nhân cũng được thông tin về chương trình tín dụng ưu đãi dành cho người chấp hành án trở về, cũng như các điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi này.
Theo Thượng tá Thịnh, từ đầu năm tới nay, đã có hơn 18 tỷ đồng từ chương trình được giải ngân, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người mãn hạn tù phát triển kinh tế, đoạn tuyệt với các hành vi vi phạm pháp luật.