Gia Lai:
Tặng sách, trò chuyện về nghị lực vươn lên cùng 200 nữ phạm nhân
(Dân trí) - Trại giam tại Gia Lai phối hợp với Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức buổi trao đổi chuyên đề "Chọn một con đường, chọn một lối đi" nhằm giúp các nữ phạm nhân cải tạo tốt, sớm trở về với gia đình.
Trò chuyện cùng 200 nữ phạm nhân
Ngày 22/11, Trại giam Gia Trung phối hợp với Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề "Chọn một con đường, chọn một lối đi" dành cho nữ phạm nhân.
Đây là chương trình phối hợp giữa Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an về việc giáo dục phạm nhân, trại viên, học sinh nữ và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2021-2026.
Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) đóng tại xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Đơn vị đang quản lý, giáo dục cải tạo 3.377 phạm nhân, trong đó có 358 phạm nhân nữ. Đa phần các phạm nhân được chuyển đến từ Trại tạm giam, nhà tạm giữ Công an tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Nhằm làm tốt công tác giáo dục, thay đổi nhận thức của phạm nhân, Trại giam thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động giáo dục mang tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với từng phạm nhân.
Sáng 22/11, Trại giam Gia Trung đã phối hợp cùng Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức buổi trò chuyện dành cho nữ phạm nhân với chuyên đề "Chọn một con đường, chọn một lối đi".
Tại buổi trò chuyện, Trại giam mời bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, chia sẻ với nữ phạm nhân về nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Qua đó phần nào giúp phạm nhân yên tâm cải tạo tốt, sớm trở về hòa nhập với gia đình, xã hội.
Buổi trò chuyện kéo dài gần 4 giờ. Bà Khúc Thị Hoa Phượng đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện về nghị lực vươn lên từ hoàn cảnh ngặt nghèo.
Qua đó kỳ vọng nữ phạm nhân an tâm chấp hành nghiêm nội quy, tích cực lao động, học tập và cải tạo, đạt nhiều thành tích trong phong trào thi đua, với niềm tin tái hòa nhập tốt với cộng đồng sau thời gian chấp hành án.
Dịp này, Nhà xuất bản phụ nữ Việt Nam gửi tặng cho trại giam Gia Trung hơn 200 quyển sách.
Đại tá Phạm Khắc Trung, Phó Giám thị Trại giam Gia Trung, cho biết: "Trại giam thường xuyên tổ chức rất nhiều buổi hội thảo, trò chuyện nhằm truyền tải nguồn năng lượng tích cực, nhân văn giúp các phạm nhân thay đổi tư duy, nhận thức và hành động, định hướng đúng đắn trong tương lai.
Hàng trăm quyển sách từ Nhà xuất bản phụ nữ Việt Nam gửi tặng là tài liệu giá trị để giúp các phạm nhân có thêm nguồn kiến thức bổ ích, tích lũy, trau dồi kinh nghiệm thực tế trong cuộc sống.
Ngày mai làm lại, sẽ không bao giờ muộn
Trước sự cởi mở của bà Khúc Thị Hoa Phượng và Ban giám thị Trại giam Gia Trung đã giúp cho nhiều nữ phạm nhân mạnh dạn chia sẻ về hoàn cảnh của bản thân. Đồng thời, thể hiện quyết tâm cải tạo tốt để giảm án, trở về với gia đình, xã hội.
Phạm nhân Phạm Thị Én (quê ở Nam Định) nhận mức án Chung thân với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện phạm nhân Én đã thụ án được hơn 15 năm tù. Với sự cải tạo tốt mà phạm nhân Én đã được giảm án 2 lần.
Phạm nhân Én chia sẻ: "Ngoài giờ lao động, cải tạo, tôi thường mượn sách để đọc nhằm tăng cường kỹ năng sống, hiểu thêm về pháp luật. Từ những bài học được viết trong sách, tôi cũng ngẫm nghĩ về lỗi lầm của bản thân. Qua đó, tôi càng có động lực để cải tạo tốt với mong muốn sẽ sớm hòa nhập với cộng đồng.".
Tương tự, Y Thao (1994) nhận mức án Chung thân và Lương Thị Trang (cùng trú ở xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) nhận mức án hơn 30 năm, vì nằm trong đường dây Vận chuyển chất ma túy trái phép, xảy ra tại huyện Ngọc Hồi, Kon Tum năm 2018. Hai người đã cải tạo được hơn 5 năm.
Y Thao chia sẻ: "Vì là người đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở vùng khó khăn nên tôi nghỉ học sớm. Tôi đã nghe theo bạn bè lôi kéo đi vận chuyển ma túy.
Khi xét xử và nhận mức án nặng, tôi rất hoang mang. Được sự tuyên truyền, động viên của ban giám thị, tôi đã hòa nhập với cuộc sống trong trại; chăm chỉ cải tạo tốt để sớm trở về gia đình, hòa nhập với cộng đồng".
Vì biết đan lát và được sự hướng dẫn của ban giám thị mà Y Thao trở thành một thợ lành nghề trong tổ đan lát đồ mỹ nghệ. Thao còn hướng dẫn cho chị em trong trại biết nghề.
Sau phần giao lưu, chia sẻ tại buổi trò chuyện, các nữ phạm nhân đều có những kinh nghiệm, bài học của riêng mình. Từ đó, phấn đấu cải tạo, an tâm chấp hành án để được hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, cho biết: "Tôi đã có cơ hội đến rất nhiều trại giam để cùng trò chuyện với các nữ phạm nhân. Khi đến với Gia Lai, tôi cảm thấy xúc động trước hoàn cảnh của các phạm nhân ở đây.
Họ luôn muốn chia sẻ, cởi mở, với quyết tâm mãnh liệt để hoàn thành án phạt, sớm trở về với gia đình, người thân yêu. Tôi sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ, dành tặng rất nhiều món quà, sách về kỹ năng sống nhằm khích lệ tinh thần, giúp chị vươn lên nghịch cảnh".