Năm 2024, tuổi nghỉ hưu với giáo sư, phó giáo sư được nới thêm bao nhiêu?
(Dân trí) - Năm 2024, giáo sư, phó giáo sư nam có thể nghỉ hưu ở tuổi 66, với nữ là 61 tuổi 4 tháng.
Căn cứ Điều 3 Nghị định 50/2022/NĐ-CP, nguyên tắc kéo dài tuổi nghỉ hưu của giáo sư, phó giáo sư phải đảm bảo khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định.
Việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với giáo sư, phó giáo sư không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP.
Trong thời gian thực hiện nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, giáo sư, phó giáo sư chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo.
Trong thời gian thực hiện nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nếu giáo sư, phó giáo sư có nguyện vọng nghỉ làm việc hoặc đơn vị sự nghiệp không còn nhu cầu thì được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật.
Năm 2024, tuổi nghỉ hưu của lao động nam trong điều kiện lao động bình thường là 61 tuổi, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ trong điều kiện lao động bình thường là 56 tuổi 4 tháng.
Như vậy, độ tuổi nghỉ hưu được kéo dài của giáo sư, phó giáo sư năm 2024 đối với giáo sư, phó giáo sư nam là 66 tuổi; đối với giáo sư, phó giáo sư nữ là 61 tuổi 4 tháng.
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 50/2022/NĐ-CP, giáo sư, phó giáo sư nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nếu có đủ các điều kiện khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu; có đủ sức khỏe;
Bên cạnh đó, giáo sư, phó giáo sư cũng cần không đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật, bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành kỷ luật về đảng, chính quyền và có đơn đề nghị được kéo dài thời gian công tác.
Về chế độ chính sách, giáo sư, phó giáo sư được xác định là viên chức nằm trong tổng số lượng người làm việc của đơn vị sự nghiệp được cấp có thẩm quyền giao. Bên cạnh đó, họ còn được hưởng chế độ lương theo hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ và chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật.