Mua bán người: Góc nhìn khác từ phía nạn nhân
(Dân trí) - Không hiếm những trường hợp nạn nhân tự "ngã giá", trở thành món hàng cho bọn tội phạm mua bán người. Họ thực sự đáng thương hay đáng giận?
Nhức nhối nạn mua bán người
Nghệ An được xác định là địa bàn trọng điểm của tình hình tội phạm mua bán người. Thống kê cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020, lực lượng Công an Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ 67 vụ, 113 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người; phát hiện, xử lý 3 vụ, 6 đối tượng có hành vi liên quan đến mua bán bào thai.
Riêng năm 2020, ngành chức năng tỉnh Nghệ An đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ và nhiều đối tượng mua bán người.
Thời gian qua, lực lượng công an tỉnh phối hợp với Tổ chức quốc tế Rồng Xanh giải cứu thành công hơn 200 nạn nhân bị bán ra nước ngoài, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Nạn buôn bán người chủ yếu tập trung ở một số huyện miền núi như Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn.
Thủ đoạn chủ yếu của tội phạm mua bán người là lợi dụng vào các mối quan hệ quen biết hoặc qua các đầu mối trung gian để tiếp cận nạn nhân, dùng lời lẽ dụ dỗ, hứa hẹn tìm việc làm cho họ với mức lương cao; công khai ngã giá, rủ rê nạn nhân đi lấy chồng ở nước ngoài sẽ có cuộc sống nhàn hạ hơn và sẽ có một số tiền giúp đỡ gia đình nên một số nạn nhân tin và tự nguyện đi theo...
Trên thực tế, nhiều vụ án mua bán người, mua bán trẻ em chỉ được điều tra và đưa ra xét xử khi các nạn nhân vỡ mộng "giấc mơ Trung Quốc", trở về Việt Nam và tố cáo người đưa mình đi. Hầu hết các nạn nhân đều cho biết, sau khi sang Trung Quốc họ bị bán làm vợ, phải chịu sự kìm kẹp, quản lý của gia đình chồng, hoặc tệ hơn là bị bán vào các cơ sở mại dâm, bị đối xử như các nô lệ tình dục.
Lương Thị Tằm (tên nhân vật đã được thay đổi, SN 1994, trú huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) là nạn nhân của một vụ án mua bán người. 13 tuổi, Tằm bị mẹ kế gả bán cho thanh niên hơn 4 tuổi. Sau 3 năm chung sống không hạnh phúc, thường xuyên bị chồng bạo hành, Tằm quyết định dứt áo ra đi, tìm "bến đỗ" mới.
Thực ra, chính Tằm là người tự ngã giá để "bán mình" khi được Lương Văn Vương (SN 1986, trú xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn, Nghệ An) rủ đi Trung Quốc lấy chồng. Sau khi "chốt giá" 40 triệu đồng, Tằm đồng ý theo Vương vượt biên đi Trung Quốc mang theo giấc mộng đổi đời, giàu có và sung sướng đã được một số người vẽ ra.
Cuộc sống không như Tằm tưởng tượng, sau 6 năm ở xứ người, cô tìm cách bỏ trốn và được các tổ chức, cá nhân giúp đỡ đưa về Việt Nam.
Giận hay thương?
Tương Dương là một trong những địa bàn trọng điểm của hoạt động mua bán người tại Nghệ An. Theo thống kê, mỗi năm công an huyện phát hiện và xử lý từ 6-10 vụ án mua bán người, trong đó có những vụ có 4-5 đối tượng tham gia.
Hoạt động mua bán người diễn ra nhức nhối vào giai đoạn từ năm 2013-2015, thời gian gần đây, do lực lượng chức năng làm "rát" cộng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, loại tội phạm này đã giảm đáng kể.
"Nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ chính nhận thức của người dân, cùng với đó là tư tưởng lười lao động, thích hưởng thụ. Không hiếm những vụ việc khi cơ quan điều tra làm rõ thì chính nạn nhân là người "ngã giá" để tự bán mình sang Trung Quốc với giá từ 35-80 triệu đồng", Thượng tá Trần Phúc Tú - Trưởng Công an huyện Tương Dương cho hay.
Hiện chưa có thống kê cụ thể những vụ án mua bán người có bắt nguồn từ nhu cầu "đổi đời" của các nạn nhân. Tuy nhiên, quá trình xét xử tại TAND tỉnh Nghệ An, không hiếm có những vụ án mà chính nạn nhân cũng có một phần lỗi, tự biến mình thành "món hàng" cho tội phạm mua bán người.
Nhiều năm công tác tại Tổ chức trẻ em Rồng Xanh, luật sư Tạ Ngọc Vân (văn phòng Luật sư Tạ Vân và cộng sự) và các cộng sự đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức giải cứu thành công hơn 400 trẻ em gái và phụ nữ là nạn nhân của tội phạm mua bán người, trong đó nhiều nạn nhân là người Nghệ An.
Từ các cuộc giải cứu thành công này, Công an tỉnh Nghệ An đã triệt phá nhiều đường dây mua bán người, bắt giữ nhiều đối tượng. Cũng chính vị luật sư này là người bảo vệ quyền lợi cho các bị hại được giải cứu trong các vụ án xét xử tội phạm mua bán người sau đó.
"Hầu hết bị hại đều ở vùng sâu, vùng xa, rơi vào tình trạng yếu thế hoặc các tình huống dễ bị tổn thương như hoàn cảnh quá khó khăn, mẹ đơn thân, hoặc chồng nghiện ma túy và bị bạo hành, nhà đông con. Thậm chí có trường hợp phải vay nợ lãi để chữa bệnh cho con. Ở trong tình trạng tuyệt vọng như thế thì họ làm sao có thể đưa ra một quyết định sáng suốt được?", luật sư Tạ Ngọc Vân cho hay.
Bị bán đi Trung Quốc, các nạn nhân phải đối mặt với việc bị bóc lột và bị lạm dụng, bị coi thường danh dự, nhân phẩm và tự trọng. Hệ lụy của nó còn rất dai dẳng, các nạn nhân rơi vào tình trạng sống dở chết dở, nhiều trường hợp sống lâu trong tình trạng này đã mất khả năng phản kháng.
"Rơi vào hoàn cảnh như thế thì việc các nạn nhân đồng ý hoặc xin đi và trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người thì họ không đáng bị phán xét. Phải đặt mình vào hoàn cảnh của họ để có góc nhìn nhân văn hơn. Cần phải xử lý thật nghiêm những đối tượng lợi dụng sự yếu thế của phụ nữ và trẻ em gái, biến họ thành món hàng để trục lợi", luật sư Tạ Ngọc Vân cho hay.