Mỗi năm đóng thừa BHXH đáng được tăng 2,3% mức hưởng lương hưu?
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội cho rằng cần tăng mức hưởng lương hưu hàng tháng để thu hút người lao động tham gia ở lại hệ thống an sinh.
Phiên thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi thu hút tới gần 100 đại biểu đăng ký phát biểu. Nhiều vấn đề, nội dung vẫn tiếp tục nhận quan tâm, tranh luận.
Lo ngại lợi dụng chính sách
Về điều kiện hưởng lương hưu, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, dự thảo đã điều chỉnh điều kiện hưởng lương hưu xuống tối thiểu 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, thấp hơn 5 năm so với quy định hiện hành.
Quy định này được đại biểu đánh giá, sẽ giúp thu hút được nhóm lao động cao tuổi tham gia đóng bảo hiểm xã hội, đồng thời tạo thêm điều kiện cho nhiều người được hưởng lương hưu, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Sau đó, người lao động lại tiếp tục quay lại tham gia đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, đặc biệt là đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội từ sớm.
Ngoài ra, việc giảm điều kiện, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu cũng có thể dẫn đến tình trạng nhiều người nghỉ hưu có mức thu nhập thấp do thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội ngắn. Điều này ảnh hưởng đến đời sống của người lao động khi nghỉ hưu.
Do vậy, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định có liên quan kèm theo để tối ưu hóa sự thay đổi này, vừa mở rộng được các đối tượng hưởng lương hưu nhưng vừa đảm bảo mức lương hưu được hưởng sẽ đảm bảo cơ bản đời sống của người lao động khi nghỉ hưu.
Mức hưởng lương hưu có xu hướng giảm dần
Về mức lương hưu hàng tháng, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) cho hay, trong nhiều năm qua, dư luận xã hội luôn quan tâm đến những thay đổi trong chính sách bảo hiểm xã hội.
"Chúng ta đang bận cân nhắc bài toán thu chi nhằm đảm bảo hoạt động lâu dài của Quỹ bảo hiểm xã hội nên các giải pháp đưa ra đều đang hướng đến kéo dài độ tuổi lao động, tăng thu, giảm chi nhưng lại giảm mức lương hưu của người lao động được hưởng", nữ đại biểu nêu.
Cụ thể, từ năm 2018, cả nước đã điều chỉnh cách tính tỷ lệ được hưởng lương hưu tối đa là 75% của người lao động, nữ từ 25 năm lên 30 năm và nam là từ 30 năm lên 35 năm.
Quy định này đang kéo giảm mức lương hưu của người lao động, làm giảm động lực thu hút người lao động ở lại với hệ thống an sinh xã hội.
Do đó, đại biểu đề xuất nghiên cứu hướng tăng mức lương hưu được hưởng hàng tháng để thu hút người lao động tham gia ở lại hệ thống an sinh.
Cụ thể, cứ tăng thêm mỗi năm đóng bảo hiểm, người lao động được tăng 2,3% mức hưởng, cho tới tối đa không quá 79,5%.
Đại biểu nêu con số, tỷ lệ lương hưu tối đa của Việt Nam hiện cao hơn so với các quốc gia khác, nhưng do căn cứ mức lương bảo hiểm xã hội không cao, đa số chỉ đóng ở mức tối thiểu vùng, dẫn đến việc lương hưu vẫn thấp.
"Hầu hết nhóm lao động này hưởng rất thấp, dẫn đến mức lương của người lao động được hưởng không cao, mức thu hút người lao động ở lại với hệ thống bảo hiểm còn rất thấp", đại biểu nhấn mạnh.
Để tăng tính hấp dẫn, tạo động lực thu hút người lao động ở lại tham gia lâu dài với bảo hiểm xã hội, đại biểu Diệu Thúy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các chính sách an sinh như hưởng chính sách dưỡng lão, hỗ trợ 100% chi phí điều trị bệnh hiểm nghèo dành cho nhóm lao động tham gia suốt quá trình đóng bảo hiểm xã hội để tăng tính hấp dẫn của chính quỹ này.
Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) lại đồng tình với quy định của dự thảo luật. Hiện, quy định tỷ lệ tối đa 75% là phù hợp với thực tiễn và phù hợp với tính chất của lương hưu.
Theo đại biểu, Việt Nam nằm trong những nhóm có thể nói là tỷ lệ lương hưu khá cao. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định nhằm khuyến khích những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đủ điều kiện để hưởng 75% lương hưu.