1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Cùng đóng BHXH 15 năm, sao nữ được hưởng lương hưu 45%, nam chỉ hơn 33%?

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Rút ngắn thời gian đóng BHXH từ 20 xuống 15 là cơ hội giúp người lao động cao tuổi, tham gia BHXH muộn... được hưởng lương hưu. Dù vậy, vẫn còn một số vấn đề cần tính toán thêm với quy định này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong nhấn mạnh vấn đề này tại tọa đàm về bảo đảm an sinh cho người lao động do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức.

Thêm hàng triệu người có lương hưu

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, việc sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng tối thiểu từ 20 xuống 15 là cơ hội giúp người lao động cao tuổi, người tham gia BHXH muộn, đóng BHXH trong thời gian ngắn được hưởng lương hưu.

Cùng đóng BHXH 15 năm, sao nữ được hưởng lương hưu 45%, nam chỉ hơn 33%? - 1

Tọa đàm quyền lợi bảo hiểm xã hội (Ảnh chụp màn hình).

"Trước đây, nhóm lao động 40-45 tuổi muốn tham gia BHXH thì không đủ điều kiện thời gian đóng tối thiểu 20 năm để được hưởng lương hưu. Việc giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm trong lần sửa đổi luật này sẽ thu hút nhóm lao động này tham gia lại thị trường lao động, từ đó tiếp tục gắn bó với hệ thống an sinh", ông Phong phân tích.

Bên cạnh đó, theo ông Phong, việc giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu sẽ khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH, giữ họ gắn bó lâu dài với hệ thống an sinh, chờ đến tuổi nghỉ hưu để nhận lương.

"Việc giảm điều kiện thời gian đóng BHXH xuống còn 15 năm tuy mức hưởng có thấp hơn nhưng sẽ có thêm rất nhiều người lao động được hưởng lương hưu", ông Phong nói.

Bên cạnh đó, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, quy định giảm thời gian đóng BHXH hiện tồn tại một số vấn đề cần lưu ý, cần thiết có thể nghiên cứu để đưa vào luật sửa đổi lần này.

Cùng đóng BHXH 15 năm, sao nữ được hưởng lương hưu 45%, nam chỉ hơn 33%? - 2

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong, việc giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu sẽ khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống an sinh (Ảnh chụp màn hình).

Thứ nhất, việc giảm thời gian đóng không áp dụng đối với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi do giảm khả năng lao động. Thứ hai, người lao động phải chờ đợi lâu, đủ tuổi mới được hưởng lương hưu (62 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ).

Thứ ba, chưa có giải pháp xử lý nếu lương hưu thấp hơn mức chuẩn nghèo. Theo ông Phong đây là vấn đề người lao động rất quan tâm bởi với mức đóng thấp như hiện tại, sau này khi về hưu, người lao động nhận mức lương rất thấp.

Thứ 4, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, điều kiện hưởng lương hưu của nam và nữ khác nhau, chưa có sự cân bằng.

"Cùng có thời gian đóng là 15 năm nhưng nam chỉ hưởng 33,75%, nữ hưởng 45%, việc này cần xử lý sao cho công bằng", ông Phong nói.

Cùng đóng BHXH 15 năm, sao nữ được hưởng lương hưu 45%, nam chỉ hơn 33%? - 3

Rút ngắn thời gian đóng BHXH từ 20 xuống 15 là cơ hội giúp người lao động cao tuổi, người tham gia BHXH muộn (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Lao động ở nước ngoài về được cộng gộp thời gian đóng BHXH

Ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Tổ trưởng Tổ Biên tập dự thảo luật BHXH (sửa đổi) cho biết, luật BHXH sửa đổi lần này tập trung vào các nhóm chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ người đóng, hạn chế rút BHXH một lần.

Thứ nhất là xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt bằng cách bổ sung các quy định trợ cấp hưu trí xã hội. Luật sửa đổi sẽ bổ sung quy định trợ cấp đối với người lao động đóng BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu, nếu không nhận BHXH một lần sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn và mức trợ cấp hàng tháng cao hơn.

"Việc bổ sung này sẽ bao phủ được toàn bộ người lao động trong lực lượng lao động được tham gia như mục tiêu Nghị quyết 28 đề ra, hướng tới BHXH toàn dân, toàn bộ người lao động trong độ tuổi lao động được tham gia BHXH và toàn bộ người cao tuổi đều có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội hàng tháng", ông Giang nói.

Hai là để mở rộng diện bao phủ BHXH bắt buộc, cơ quan soạn thảo sẽ bổ sung lao động tham gia, bao gồm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành HTX không hưởng lương, lao động làm việc không trọn thời gian (thời vụ).

Thứ 3, theo Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, luật BHXH sửa đổi có quy định để toàn bộ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố đều có cơ hội tham gia và thụ hưởng đầy đủ 5 chế độ BHXH bắt buộc.

Tiếp đó, bổ sung quyền lợi về thai sản đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện, mặc dù không phải đóng góp thêm, tuy nhiên vẫn được ngân sách nhà nước hỗ trợ hưởng trợ cấp thai sản.

5 là sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng tối thiểu từ 20 xuống 15, tiến tới còn 10 năm. Việc điều chỉnh tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH muộn, đóng BHXH trong thời gian ngắn được hưởng lương hưu.

Đặc biệt trong dự thảo luật lần này quy định, người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài sẽ được ghi nhận thời gian tham gia đóng BHXH ở nước ngoài cộng với thời gian đóng BHXH ở Việt Nam để đủ điều kiện hưởng lương hưu.