Miệt mài làm ngựa vàng mã… để trang trí trong nhà
(Dân trí) - Nếu theo tín ngưỡng của Việt Nam, ngựa giấy dùng để cúng thần linh. Mới đây, lần đầu tiên hoạt động làm vàng mã xuất hiện trong workshop (sự kiện) ở Hà Nội thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Không phải nơi chia sẻ kiến thức làm đồ thủ công, nấu ăn… như thường lệ, workshop vàng mã được tổ chức trong tháng 7 âm lịch đã tạo ấn tượng đặc biệt.
Vô tình đọc được thông tin này trên mạng xã hội, chị Trần Lệ Huyền (Hà Nội) lập tức đăng ký tham gia vì sự mới mẻ, hứa hẹn nhiều thú vị liên quan đến nghề làm vàng mã.
Vốn là nhà thiết kế thời trang, chị Huyền thêm yêu thích khi được tiếp xúc với nhiều điều mới lạ liên quan đến đời sống văn hóa Việt Nam. Trong không gian quán cà phê thanh vắng vào cuối tuần giữa tháng 8, chị này bắt đầu trải nghiệm làm ngựa vàng mã.
Chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng, chị nhận về một bộ phụ kiện bao gồm khung, giấy dán với đủ màu sắc để kết thành ngựa vàng mã. Chị Huyền cảm nhận được người đứng ra tổ chức rất cởi mở, sáng tạo khi tạo ra sự kiện liên quan đến vàng mã - một vật dùng để thực hành tín ngưỡng cúng thần linh, người âm theo quan niệm của người Việt từ xưa đến nay.
Khi tận tay cắt, dán giấy, vẽ phủ màu, sáng tạo từ khung tre hình ngựa, chị Huyền mới cảm nhận được sự phức tạp, cầu kỳ và bàn tay tài hoa của nghệ nhân làm nghề thủ công.
Theo nhà thiết kế này, con ngựa vàng mã là sản phẩm kết tinh từ nhiều làng nghề thủ công như khung được làm từ mây tre, hồ dán, giấy thủ công nhiều màu sắc…
Để tạo hình được một sản phẩm đẹp, chỉn chu, đòi hỏi người làm nghề phải có kỹ thuật cao và người bình thường như chị khó lòng tạo hình được đến mức độ bắt mắt như vậy.
Trải qua thăng trầm lịch sử, con ngựa giấy vẫn nằm trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, đặc biệt là người Việt ở Bắc Bộ. Vốn là người làm về nghệ thuật, chị Lệ Huyền nêu ý tưởng ngựa vàng mã không chỉ dùng để cúng thần linh, mà còn có thể mang những vai trò khác trong cuộc sống hiện đại.
Chị nhớ cách đây không lâu, câu chuyện về một người nước ngoài đã mua và mong muốn mang con ngựa vàng mã về đất nước của mình làm kỷ niệm. Từ những hình ảnh đó, chị bày tỏ, không nên đóng khung ngựa giấy chỉ để đốt cho người âm.
"Với những người có cái nhìn cởi mở, sẽ có cách sáng tạo riêng biệt để phát huy được những giá trị truyền thống", chị Huyền chia sẻ.
Khi thực hiện trang trí, thay vì tai ngựa cụp vào trong, chị có thể biến tấu lật ngược ra ngoài, tự vẽ mắt, má hồng… cho con ngựa giấy. Chị Huyền cho rằng, mỗi người có thể tự sáng tạo ngựa vàng mã dựa trên dấu ấn cá nhân, góc nhìn thẩm mỹ của mình, miễn sao chúng vẫn hợp lý so với nguyên bản.
Sau 2 giờ miệt mài vẽ, dán, ngựa vàng mã do đích thân chị tạo nên cũng hoàn thành. Dĩ nhiên, chị sẽ không đi đốt chúng mà đặt vào vị trí trang trọng trong căn nhà như một vật trang trí ý nghĩa.
Với bên trong rỗng, chị dự định sẽ lắp thêm đèn bên trong cho chú ngựa giấy này bắt mắt hơn.
Sau khi chia sẻ hình ảnh ngựa vàng mã trên mạng, chị Huyền cho biết, nhiều bạn trẻ, người có gia đình quan tâm và muốn trải nghiệm. Đây cũng là cách mà các gia đình truyền tải thông tin, giáo dục cho con em mình về văn hóa Việt Nam.
Qua sự kiện này, nhà thiết kế này cho rằng, có thể phát triển hơn nữa vàng mã truyền thống trong khai thác du lịch. Bởi dưới góc nhìn du khách nước ngoài, vàng mã Việt Nam khá ấn tượng, không ít người muốn mang về làm lưu niệm...