Mẹ già 81 tuổi 40 năm bán chè ở TPHCM nuôi con bị tâm thần
(Dân trí) - 81 tuổi, bà Mai vẫn ngày ngày gánh hàng chè nặng, bám vỉa hè, chật vật mưu sinh để kiếm tiền nuôi người con trai bị tâm thần.
Có bao nhiêu đều dành hết cho con
Giữa trưa, ở một góc vỉa hè đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, TPHCM), bà Phạm Thị Mai (81 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) vẫn cặm cụi bên gánh chè còn quá nửa.
"Chè bắp đi con. Hôm nay có chè bắp ngon lắm…", vừa nhìn dòng người đi bộ trên vỉa hè, bà Mai vừa cất tiếng mời khách.
Thỉnh thoảng có người ghé vào hàng chè, bà Mai từ tốn giới thiệu chè bắp, chè đậu xanh, chè đậu đen đồng giá 10.000 đồng/ly, chè thập cẩm có đậu ngự thì giá 20.000 đồng.
Thấy khách không đủ tiền lẻ, bà Mai mỉm cười nói: "Con cầm đi, lát có tiền lẻ thì quay lại đưa cho bà cũng được, bà không sợ mất đâu". Nói rồi, bà Mai tiếp tục múc vài ly chè từ nồi ra, lấp vào chỗ trống của những ly đã bán.
Mỗi ngày, đúng 9h30, bà Mai gánh hàng chè, đi xe ôm từ quận Bình Thạnh đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa để ngồi bán. Đến quá trưa, khi người đi lại thưa thớt bà tiếp tục gánh hàng chè đi bộ đến chợ Bến Thành để bán.
Chè của bà Mai được nấu theo hương vị của người miền Trung, có vị ngọt thanh, không quá gắt. Cụ bà chia sẻ, mọi công thức đều do bà tự mày mò rồi làm chứ không được ai truyền dạy.
Để kịp chuẩn bị chè đi bán, bà Mai luôn ngâm đậu trước một đêm. Đối với những loại đậu cứng, cần thời gian nấu lâu như đậu đen, bà phải nấu từ khuya. Còn các loại chè khác như chè bắp, chè đậu xanh thì bà phải dậy từ 4h sáng để chuẩn bị.
Thông thường, bà sẽ bán đến khoảng 16h rồi trở về nhà nghỉ ngơi. Mỗi ngày bà bán được khoảng 80-100 ly chè, bỏ túi khoảng 200.000-300.000 đồng. Trong đó, bà trích ra 120.000 đồng cho 2 chuyến xe ôm cả đi lẫn về mỗi ngày, 50.000 đồng để ăn uống. Số còn lại bà giữ một ít để đóng trọ, phòng thân, còn bao nhiêu bà đều gửi về quê để chăm lo cho đứa con trai 49 tuổi bị tâm thần.
"Tôi tuổi đã già rồi, ăn uống có mấy đồng. Bán được bao nhiêu, tôi đều cất đó, cuối tháng gửi về quê lo cho thằng con trai bị tâm thần", bà Mai kể.
Mong ước cuối đời
Bà Mai là người Quảng Ngãi. Trước đây, vào khoảng năm 1963, bà Mai cùng chồng vào TPHCM lập nghiệp, nhưng sau đó, thấy không phù hợp với nơi này, bà quyết định về quê kiếm sống.
Năm 1982, sau khi người chồng mất, bà Mai trở thành trụ cột chính của gia đình. Một lần nữa, bà lại trở vào TPHCM để mưu sinh, kiếm từng đồng tiền lẻ để gửi về quê lo cho các con.
Tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, bà bắt đầu bán món tàu hủ nóng, ngày ấy chỉ 200 đồng/chén. Sau vài năm, thấy thực khách thích ăn chè, bà chuyển sang bán chè đến tận bây giờ, ngót nghét cũng gần 40 năm.
Bà Mai có ba người con trai. Người con lớn đã lập gia đình ở xa, thỉnh thoảng gửi chút tiền phụ mẹ lo cho em. Đứa con thứ hai của bà thì lại chẳng may gặp biến cố và bị bệnh tâm thần từ năm 22 tuổi, phải ở nhà suốt 27 năm nay.
Người con trai út là người ở bên cạnh bà nhiều nhất. Tuy bị bệnh tim bẩm sinh, nhưng anh vẫn quyết tâm đi làm để kiếm tiền nuôi mẹ, nuôi anh.
"Thằng út tội lắm. Nó bị bệnh tim bẩm sinh, thấy mẹ khổ nên nó không dám lấy vợ, ngày ngày cố gắng đi làm kiếm từng đồng để phụ mẹ nuôi anh. Nó có hiếu lắm", bà Mai không thể cầm lòng khi nhắc về người con út.
Nhưng biến cố ập đến, bà Mai khóc không nên lời khi hay tin đứa con ngày ngày kề cạnh mình lại qua đời ở tuổi còn trẻ.
Hễ có ai nhắc đến các con, đôi mắt bà Mai lại ướt nhòe, giọng nói run run, dù cố giữ bình tĩnh. Lúc nào lòng bà cũng lo lắng không yên về đứa con thứ hai đang bị bệnh tâm thần, rồi lại buồn rầu, nhớ đến đứa con út mệnh khổ.
Cách đây không lâu, bà Mai bị lừa mất gần 1,5 triệu đồng tiền để dành. "Tôi dành được chút tiền để lo cho con, vậy mà họ nỡ lòng nào lừa lấy chút tiền đó của bà già này", bà Mai nghẹn ngào kể.
Đáng lẽ ở cái tuổi được an hưởng tuổi già, nhưng ngày ngày bà Mai vẫn gánh hàng chè nặng trĩu đi bán, để dành từng đồng để chăm lo cho con trai. Nhiều lúc thấy cảnh những cụ già có con cháu quây quần, bà lại chạnh lòng.
"Tôi chỉ ước tôi sẽ luôn khỏe mạnh để ngày ngày có thể đi bán, kiếm chút tiền gửi về lo thuốc thang cho con. Tôi sợ tôi có mệnh hệ gì thì không biết nó sẽ phải sống làm sao", bà Mai tâm sự.
Bình Minh