1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Mẹ già 40 năm bám hè đường chờ đứa con thất lạc

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Từ một tiểu thư con nhà giàu, 40 năm qua, bà Kim Cúc phải bươn trải bên lề đường. Nghề bán cóc dạo giúp bà làm lại cuộc đời, cũng để nuôi hi vọng tìm kiếm người con thất lạc từ ngày thơ dại.

Gọt cóc lề đường kiếm 60 triệu đồng/tháng

11h trưa, bà Trần Thị Kim Cúc (67 tuổi, ngụ TPHCM) đẩy xe cóc chín ra đường Trương Định (quận 3, TPHCM) như thường lệ.

Mỗi ngày, thương lái giao đến cho bà Cúc 75kg cóc chín nguyên trái. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, bà Cúc có thể bán đến 100kg cóc/ngày, kiếm hơn 60 triệu đồng mỗi tháng.

bancoc_nguyenvy

Đều đặn mỗi ngày, bất kể lễ, Tết, bà Cúc vẫn đậu xe bán loại trái cây bình dân bên lề đường mưu sinh (Ảnh: Nguyễn Vy).

Hiện tại, sức mua, theo bà, chỉ còn một nửa, xe cóc chín vẫn mang lại 30 triệu đồng/tháng.

Tại xe cóc nhỏ, bà Cúc cẩn thận lựa những trái đẹp để bày lên trên. Những trái có da sần sùi, bà sẽ chọn để gọt vỏ bỏ vào hộp bán.

Cóc chín nguyên trái bà Cúc bán với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg, tùy loại. Riêng cóc gọt sẵn vỏ, bà Cúc bán với giá 40.000 đồng/hộp. Trung bình, cứ bổ 5 trái là vừa một hộp.

"Nhiều khách kêu cóc đắt nhưng đâu biết gọt vỏ loại quả này khó thế nào, bổ một trái có thể đơn giản nhưng đến 10 trái là mệt bở hơi tai", bà Cúc nói.

Theo cụ bà U70, việc gọt vỏ, tách cóc không đơn giản, phải thật khéo tay. Mũi dao lúc nào cũng phải bén, mỏng để dễ loại bỏ phần vỏ. Trái cóc chín chỉ cần gọt mạnh tay sẽ chảy nước, không còn thơm, giòn ngọt nữa.

bancoc_nguyenvy

Nhờ xe cóc chín, bà Cúc có thể kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng (Ảnh: Nguyễn Vy).

Bà Cúc chia sẻ, cóc chín là trái cây được nhiều người yêu thích, hương thơm thu hút từ xa. Nhiều hôm, người mua xúm quanh đông nghịt, bà chủ xe cóc dạo phục vụ không xuể.

Mùa cóc chín (từ tháng 6 tới tháng 9 hàng năm), dọc đường Trương Định không ít những xe hàng di động như của bà Cúc. Với cụ bà đã ở tuổi "thất thập lai hy", xe trái cây bám lề đường ngày qua ngày không chỉ để mưu sinh mà còn để bà nuôi hi vọng chờ đợi đứa con nhỏ trở về. 

Bám đường nuôi hi vọng tìm con 

Kể lại chuyện đời mình, bà Cúc đến giờ vẫn nhớ rõ những ngày thơ, được sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả, được bố mẹ cưng chiều như tiểu thư. Thời đó, anh em bà đều được học hành đầy đủ, có thể nói là gia đình rất có điều kiện.

Biến cố gia đình đến với cô tiểu thư con nhà ở năm cuối cấp phổ thông. Khi đó, bà Cúc phải nghỉ học do bố mẹ làm ăn thất bại, nhà cửa bán hết.

"Lúc đó ai mà chẳng ham học. Phải nghỉ học, tôi buồn lắm nhưng cũng đành chấp nhận vì bố mẹ chỉ lo được đến đó thôi", bà Cúc chạnh lòng.

bancoc_nguyenvy

Tuổi đã cao, mắc nhiều bệnh, gia cảnh cũng không hẳn khó khăn nhưng bà Cúc chưa có ý định nghỉ bán bởi công việc giúp bà tự chủ trong cuộc sống, cũng để tư tưởng thoải mái hơn (Ảnh: Nguyễn Vy).

Tán gia bại sản, cả gia đình bà đành rời TPHCM, quay về quê nhà ở Châu Đốc (An Giang). Ở quê, bà Cúc kết hôn rồi sinh 3 người con, nhưng gia đình riêng cũng tan vỡ vì vợ chồng không tìm được sự gắn kết.

Tưởng chừng số phận chỉ đến đó, nào ngờ ông trời còn thử thách người phụ nữ sa cơ lỡ vận khi bà lạc mất một người con. 

Mang nỗi đau không thể nguôi ngoai, bà một mình ôm 2 con quay trở lại TPHCM, quyết tâm lập nghiệp, trốn chạy khỏi mảnh đất ghi dấu bằng những đổ vỡ, ly tán của đời bà. 

Cô tiểu thư ngày nào thực sự bước vào những tháng ngày bươn chải, dầm mưa dãi nắng ngoài đường, kiếm từng đồng bạc lẻ vừa nuôi hai con, vừa ôm hi vọng dò la, tìm được manh mối người con bị lạc, nghe nói là phiêu dạt lên thành phố.

Bà Cúc thử học bán chè, rồi đi bán trái cây cho đến hiện tại. 7 năm trước, bà bắt đầu chuyển dần sang bán cóc.

bancoc_nguyenvy

Đôi bàn tay thoăn thoắt, bà Cúc nhanh chóng gọt, tách xong 1 hộp cóc chỉ trong khoảng 5 phút (Ảnh: Nguyễn Vy).

Buôn bán lề đường, bà Cúc tâm sự rằng không ít lần bị lừa tiền. "Tôi bị nhiều người lừa lắm, nhưng già rồi đâu có nhanh nhẹn mà phát hiện. Người ta đến mua đưa tiền lớn, rồi sau đó giấu nhẹm đi. Khách cầm túi đồ đi rồi, khi đếm lại tôi mới biết bị lừa, buồn lắm nhưng lỡ rồi, biết làm sao", bà thở dài.

Xe trái cây dạo bên lề đường đã giúp bà nuôi hai con, lo cho các con phương trưởng, đủ đầy, không còn phải lo nghĩ gì nữa.

bancoc_nguyenvy

Bà Cúc cho hay sẽ lao động đến khi hết sức thì mới thôi (Ảnh: Nguyễn Vy).

Đến nay, hai con của bà đã trưởng thành, có công việc và gia đình riêng. Chỉ có nỗi lòng 40 năm trông ngóng đứa con thất lạc đến giờ vẫn chưa được gỡ bỏ với người phụ nữ phận mỏng.

Đó cũng là lý do đến giờ bà Cúc chưa nghĩ đến chuyện sẽ dọn đến chung sống cùng hai người con hiện tại. Bà muốn dành nốt thời gian còn lại để chờ đứa con bị thất lạc tìm về. 40 năm trôi qua, dù không ít người theo đuổi, bà đều một mực từ chối, cuộc sống tiếp tục trôi đi bên lề đường mỗi ngày.

"Tính tôi không thích phiền hay làm gánh nặng của ai. Buôn bán ngoài đường, mưa, nắng rõ ràng vất vả, màn trời chiếu đất hoài rồi cũng quen. Còn sức tôi sẽ còn lao động, đồng tiền làm ra nó mới quý. Ở đây tôi cũng có nhiều cơ hội trông ngóng con hơn", bà Cúc kể như tự sự.