1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lương và môi trường đầu tư: Nỗi lo không mới của doanh nghiệp Hàn Quốc

“Chúng tôi mong muốn các địa phương mở thêm các trường đào tạo tại chỗ và cung cấp nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp”,

Có rất nhiều cơ hội, niềm tin mà giới doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc kỳ vọng trong thời gian tới khi FTA Việt Nam – Hàn Quốc sẽ chính thức được thực thi vào đầu năm 2016, nhưng nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn “trăn trở” với công cuộc tăng lương tối thiểu của Việt Nam.

VCCI và Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc vừa tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc lần thứ nhất, đây là diễn đàn kinh tế đầu tiên của cộng đồng DN hai nước kể từ khi ký Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc nhằm thúc đẩy các cơ hội hợp tác giữa hai cộng đồng DN.

Nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn “trăn trở” với công cuộc tăng lương tối thiểu của Việt Nam
Nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn “trăn trở” với công cuộc tăng lương tối thiểu của Việt Nam

nangluong2

 

Hai đề xuất của nhà đầu tư Hàn Quốc

Hiện tại, Việt Nam đang được xem là một “cứ điểm” quan trọng của của các doanh nghiệp Hàn Quốc khi có tới 4.300 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư với tổng vốn lên tới 43 tỷ USD, trong đó hàng loạt các tên tuổi hàng đầu của nước này đang có mặt ở VN như: Lotte, Huyndai, Samsung, LG…

Chỉ tính riêng trong 10 tháng năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của Hàn Quốc tại Việt Nam là hơn 6,2 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và thay đổi cơ cấu nền kinh tế như công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản, xây dựng…

Kim ngạch thương mại song phương năm 2014 đạt trên 28,8 tỷ USD, riêng 9 tháng năm 2015 đã đạt 27,3 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2014. Dù không có quá nhiều điểm để phàn nàn về môi trường đầu tư của Việt Nam, nhất là sau khi FTA Việt Nam - Hàn Quốc đã được ký kết và sẽ đi vào thực thi từ đầu năm tới, song ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Kocham cho rằng hiện có hai vấn đề của môi trường đầu tư khiến cho giới đầu tư Hàn Quốc còn e ngại.

Trong chính sách về tiền lương, ông Ryu Hang Ha cho rằng việc tăng lương liên tục trong thời gian qua khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn. Ở Hàn Quốc, lương cơ bản thường ổn định, còn lương thông thường có thể điều chỉnh hằng năm.

Các Ddoanh nghiệp Hàn Quốc đã quen như vậy, nhưng ở Việt Nam việc tăng liên tục đã khiến cho nhiều vấn đề khác tăng theo, chẳng hạn như vật giá, tiền BHXH… “Chúng tôi mong muốn Việt Nam việc tăng lương phải rõ ràng hơn, được xem xét và trên cơ sở thực tế của doanh nghiệp”, ông này nói.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng phàn nàn việc họ rất khó tuyển được lao động chất lượng cao làm việc ở các tỉnh. Vị đại diện Kocham cho biết, gần đây các nhà đầu tư Hàn Quốc rất khó tuyển được các kỹ sư giỏi, kỹ sư chuyên môn cao làm việc. “Chúng tôi mong muốn các địa phương mở thêm các trường đào tạo tại chỗ và cung cấp nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp”, ông Ryu Hang Ha đề nghị.

Tăng lương phải phù hợp với năng suất lao động

Đồng tình với quan điểm này, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, mức lương tăng 12,4% là cao so với mức năng suất lao động hiện nay. Bất cứ việc tăng lương nào cũng cần phải đảm bảo trên cơ sở phù hợp với năng suất lao động, phù hợp với tình hình lạm phát, phù hợp với sự vươn lên của doanh nghiệp nhưng đồng thời đảm bảo mức sống của người lao động.

Tất nhiên trong vấn đề này còn nhiều ý kiến và cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng và có trách nhiệm. Tuy nhiên, mức 12,4% có thể được chấp nhận với điều kiện phải dãn lộ trình thực hiện đầy đủ các vấn đề như BHXH, chi phí liên quan tới tiền lương tối thiểu…

Bởi gánh nặng với doanh nghiệp hiện không chỉ là tiền lương tối thiểu mà gánh nặng là tiền BHXH, BHYT, chi phí công đoàn (3%)… “Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể chịu đựng được trong bối cảnh hiện nay, cùng với việc tăng lương 12,4%, cần giãn lộ trình thực hiện đầy đủ các khoản đóng BHXH để phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp”, TS Vũ Tiến Lộc đề nghị.

"Mức lương tăng 12,4% là cao so với mức năng suất lao động hiện nay"

Cùng quan điểm, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng, việc tăng lương cần có sự hài hòa của các bên, ông Đông nhớ lại chuyến thăm của mình tới một doanh nghiệp dệt may ở tỉnh Quảng Nam cách đây chừng 2 năm, vị lãnh đạo doanh nghiệp này đã nói với ông rằng, nếu lương cơ bản ở mức 1.050.000 đồng, ông ta sẵn sàng mở thêm một nhà máy nữa ở vùng núi Quảng Nam. Nhưng nếu tăng lên 1.850.000 đồng, ngoài việc tăng lương, doanh nghiệp này sẽ phải bỏ thêm 7-8 tỷ đồng tiền BH cho người lao động. Vị giám đốc này khẳng định, nếu tăng lương như vậy sẽ không mở thêm nhà máy nữa.

Qua câu chuyện của mình, thứ trưởng Đông muốn gửi tới các nhà làm chính sách rằng, có thể thay đổi chính sách nhưng nhớ rằng tiền ở trong túi của doanh nghiệp, khi doanh nghiệp thấy môi trường đầu tư hấp dẫn mới bỏ tiền ra đầu tư. “Chỉ vì chính sách khiên cưỡng, nghĩ rằng thương người lao động, bảo vệ người lao động nhưng thực ra chúng ta đã đánh mất cơ hội của người lao động”, ông Đông nói.

Thực tế, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam bởi theo họ, Việt Nam có môi trường đầu tư khá thông thoáng, lao động tay nghề cao, hơn nữa tình hình chính trị ổn định, quy mô thị trường và dư địa cho nhà đầu tư còn rất lớn.

Việc hai nước ký kết FTA chắc chắn sẽ là một “đòn bẩy” để tạo ra những cơ hội mới, những lợi ích mới cho cả hai phía. Nhưng nếu các nhà làm chính sách không xem xét, nghiên cứu kỹ những kiến nghị từ phía các nhà đầu tư mà những chính sách đưa ra không hợp lý, chẳng hạn như vấn đề tiền lương hay chuyện đào tạo nhân lực cao ở các tỉnh không theo tiếng gọi của thị trường cũng như nhu cầu thực tế của doanh nghiệp thì chưa chắc việc thực thi FTA đã mang lại lợi ích như kỳ vọng của cả hai phía.

Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp