1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Lương tăng, người lao động có lợi khi hưởng chế độ thai sản

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Có 5 khoản tiền hỗ trợ đang được áp dụng với lao động nữ liên quan đến chế độ thai sản. Nhiều khoản tiền trong số đó được tính căn cứ trên lương cơ sở, sẽ tăng đáng kể từ 1/7 này.

Chế độ thai sản là một trong những quyền lợi mà người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được hưởng trong quá trình thai sản. Chế độ này hỗ trợ một phần thu nhập cho lao động nữ khi mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ.

Lương tăng, người lao động có lợi khi hưởng chế độ thai sản - 1

Chế độ thai sản hỗ trợ một phần thu nhập cho lao động nữ khi mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ (Ảnh minh họa: Hải Long).

Theo Luật BHXH năm 2014, lao động nữ tham gia BHXH bắt buộc khi mang thai, sinh con được nhận chế độ thai sản với 5 khoản tiền hỗ trợ.

Thứ nhất, tiền những ngày nghỉ hưởng chế độ khi khám thai.

Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc 5 lần để đi khám thai, mỗi lần 1 ngày. Trường hợp ở xa cơ sở khám chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì mỗi lần được nghỉ 2 ngày.

Tiền nghỉ chế độ đi khám thai được tính theo mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ khám thai. Tiền nghỉ chế độ 1 ngày được tính bằng 1/24 lương tháng.

Thứ hai, tiền những ngày nghỉ hưởng chế độ khi sinh con.

Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng.

Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con mỗi tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Thứ ba, tiền trợ cấp một lần khi sinh con.

Lao động nữ sinh con thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con.

Thứ tư, tiền những ngày nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản.

Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày.

Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Thứ năm, tiền những ngày nghỉ hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý.

Trong trường hợp lao động nữ bị sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì được nghỉ dưỡng sức.

Số ngày nghỉ việc dưỡng sức tùy thuộc vào số tuần tuổi của thai nhi lúc xảy ra sự cố. Nếu thai dưới 5 tuần tuổi thì được nghỉ việc 10 ngày. Nếu thai từ 5 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi thì được nghỉ việc 20 ngày. Nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi thì được nghỉ việc 40 ngày. Nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên thì được nghỉ việc 50 ngày.

Trợ cấp thai sản thay đổi ra sao từ 1/7?

Trong 5 khoản tiền trợ cấp thai sản trên, các khoản tiền thứ nhất, thứ 2, thứ 5 được tính theo mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nên tùy thuộc vào tiền lương của lao động trước khi nghỉ hưởng chế độ thai sản. Riêng khoản tiền trợ cấp thứ 3 và thứ 4 được tính theo lương cơ sở nên có sự thay đổi khi điều chỉnh lương cơ sở từ ngày 1/7.

Cụ thể, trợ cấp một lần khi sinh con là 2 tháng lương cơ sở. Trước ngày 1/7, khoản tiền này là 2.980.000 đồng cho mỗi con. Từ ngày 1/7 trở đi, khoản tiền này là 3.600.000 đồng cho mỗi con.

Tiền những ngày nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản là 30% mức lương cơ sở/ngày. Trước 1/7, mức hưởng này là 447.000 đồng/ngày. Từ ngày 1/7 trở đi, mức hưởng này là 540.000 đồng/ngày.