Lương hưu thấp, làm gì để tăng mức hưởng khi về già?

Hoa Lê

(Dân trí) - Người lao động có thể tham gia hưu trí bổ sung để có mức lương hưu cao hơn về sau.

Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, người lao động muốn có mức lương hưu cao hơn có thể tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Quy định bởi một chương trong luật mới, bảo hiểm hưu trí bổ sung là loại hình bảo hiểm mang tính chất tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, nhằm bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ đóng góp của người sử dụng lao động hoặc của người sử dụng lao động và người lao động.

Luật đã quy định về đối tượng, nguyên tắc, quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung, và chính sách của Nhà nước đối với loại hình bảo hiểm này. Từ đó, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp, để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

Cụ thể, đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung là người sử dụng lao động và người lao động. Vì thế, mức đóng cũng do người sử dụng lao động và người lao động tự nguyện thỏa thuận. Khoản đóng góp vào quỹ này được quản lý theo từng tài khoản hưu trí cá nhân.

Hoạt động quản lý quỹ thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch và phải bảo đảm đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Mức chi trả bảo hiểm hưu trí bổ sung được xác định trên cơ sở số dư tài khoản hưu trí cá nhân tại thời điểm chi trả, được tích lũy thông qua hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung theo nguyên tắc thị trường.

Luật cũng nêu rõ, quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung là quỹ tài chính độc lập với ngân sách Nhà nước; được hạch toán, kế toán, lập báo cáo tài chính, kiểm toán theo quy định của pháp luật về kế toán và pháp luật về kiểm toán.

Lương hưu thấp, làm gì để tăng mức hưởng khi về già? - 1

Người dân nhận lương hưu hằng tháng (Ảnh minh họa: Hoa Lê).

Nguồn hình thành quỹ bao gồm đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và tiền sinh lời của hoạt động đầu tư của quỹ. Quỹ được sử dụng để chi trả chế độ hưu trí bổ sung cho người lao động, chi phí tổ chức và hoạt động quản lý.

Theo cấp phép của Bộ Tài chính, có 4 công ty quản lý quỹ được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh quản lý Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, gồm: Công ty quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam, Công ty quản lý quỹ đầu tư MB, Công ty quản lý quỹ SSI, Công ty quản lý quỹ Vietcombank.

Hiện nay, Nghị định 88/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về nguyên tắc chi trả từ quỹ hưu trí, thì mức chi trả bảo hiểm hưu trí bổ sung cho người lao động được xác định theo: Giá trị tài khoản hưu trí cá nhân; Kế hoạch chi trả quy định tại hợp đồng tham gia quỹ hưu trí, và văn bản thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc tham gia quỹ hưu trí.

Nghị định 88/2016/NĐ-CP cũng quy định các hình thức chi trả bảo hiểm hưu trí bổ sung gồm chi trả hằng tháng và chi trả 1 lần (sau 10 năm).

Đối với chi trả hằng tháng, thời gian nhận chi trả khi người tham gia quỹ đến tuổi nghỉ hưu tối thiểu là 10 năm.

Mức chi trả hằng tháng do đối tượng nhận chi trả lựa chọn. Tuy nhiên, tối đa không vượt quá tổng giá trị tài khoản hưu trí cá nhân ở thời điểm nghỉ hưu, chia cho 120 tháng.

Trường hợp mức chi trả hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở, mức chi trả hằng tháng tối đa không vượt quá mức lương cơ sở, cho đến khi tất toán tài khoản hưu trí cá nhân.

Như vậy, từ ngày 1/7/2025, với việc tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung, người lao động có thêm sự lựa chọn để sau này đến tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng lương hưu với mức cao hơn.