Lương hưu dưới 2 triệu đồng có đủ sống?
(Dân trí) - Sau khi nghỉ hưu, nhiều người đang nhận mức lương rất thấp. Để "co kéo" cho đủ chi tiêu trong tháng, không ít người cao tuổi vẫn phải làm thuê, tăng gia tại nhà.
Mùng 8 hàng tháng, bà Nguyễn Thị Thự (SN 1956, ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa) lại hồ hởi ra bưu điện xã Hoằng Đồng lĩnh lương hưu dù trong số các cụ hưu của thôn, bà Thự có mức lương hưu thấp nhất, khoảng 1,6 triệu đồng/tháng.
Mức lương hưu trên đã được nâng lên qua nhiều năm. Còn thực tế, khởi điểm, bà Thự chỉ nhận về hơn 800.000 đồng.
Trước đây, bà Thự là giáo viên mầm non của xã Hoằng Đồng, không có biên chế, chỉ được kí hợp đồng lao động. Dù có thời gian công tác lâu năm trong nghề, song bà lại thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội muộn.
Năm 2015, bà Thự 55 tuổi, đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu theo quy định lúc bấy giờ. Tuy đến tuổi nghỉ hưu, nhưng số năm tham gia bảo hiểm mới đạt 16 năm 4 tháng, buộc bà tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thêm 3 năm 8 tháng nữa. Sau đó, bà mới đủ điều kiện lĩnh lương hưu hàng tháng.
Bà Thự chia sẻ: "Chắc tôi thuộc diện có mức lương hưu thấp nhất cả nước. Lúc đó, thời gian đóng bảo hiểm ngắn, mức đóng không cao nên mức hưởng cũng rất hạn hẹp".
Ở quê nhà vườn tược rộng rãi, còn sức khỏe, bà Thự nuôi gà, trồng thêm luống rau để có thực phẩm đảm bảo bữa ăn hàng ngày. Không chỉ vậy, bà còn tranh thủ cấy thêm 2 sào ruộng mỗi năm nên cũng không mất tiền đong gạo mỗi tháng.
Với việc "tự cung tự cấp" lương thực thực phẩm như vậy, với bà, 1,6 triệu đồng mỗi tháng tiền lương hưu vẫn tạm đủ chi tiêu. Hiện, các con của bà đã trưởng thành, có công ăn việc làm và gia đình riêng.
Bà Thự cho biết: "Hiện chi tiêu hằng ngày tôi tự xoay xở được, còn sau này tuổi cao, nhiều bệnh tật, chắc chắn phải cậy nhờ vào các con".
Sau nhiều năm làm việc tại nhà máy chế biến thủy sản, năm 1993, bà Lê Thị Đào (Cầu Giấy, Hà Nội) nghỉ hưu. Đến nay, mỗi tháng bà được lĩnh về 2,9 triệu đồng.
Bà Đào cũng may mắn khi chồng là bộ đội nghỉ hưu, có lương hưu cao, hơn 10 triệu đồng/tháng. Tiền chi tiêu, sinh hoạt hằng tháng trong gia đình đều dựa vào đồng lương của "ông bộ đội".
Theo bà, ở thành phố lớn mà lương hưu chỉ gần 3 triệu thật khó để trang trải sống qua ngày. Vì có lương của chồng bù đắp, nên ông bà có thể rộng rãi chi tiêu, không phải dựa vào con cái. Ngoài ra, ông bà còn có tiền tích cóp, thỉnh thoảng trích thưởng cho các cháu chăm ngoan, học giỏi.
Trong số những người cao tuổi có mức lương hưu thấp, không ít người than phiền về thời gian làm việc thu nhập cao nhưng "lương hưu không đủ sống".
Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Giang Thanh Long, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề dân số, khía cạnh kinh tế của già hóa dân số, an sinh xã hội cho rằng, thực tế, tỷ lệ hưởng lương hưu của Việt Nam là cao so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, nền lương đóng bảo hiểm xã hội thấp, nên mức lương hưu người lao động nhận về không cao.
Ông Giang Thanh Long lý giải, mức đóng bảo hiểm xã hội thấp do nhiều người lao động đang "ở vùng trũng" nên mức thu nhập thấp. Bên cạnh đó, có người lao động thu nhập cao nhưng mức thực tế đóng bảo hiểm xã hội lại khác biệt, chỉ trên mức lương tối thiểu một chút.
Vị này cho rằng cần có cơ chế liên thông dữ liệu giữa các cơ quan như thuế, bảo hiểm xã hội, từ đó giúp các bên liên quan nắm được bảng lương thực tế của người lao động ra sao để cơ quan bảo hiểm xã hội có thể thu đúng, thu đủ, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật đã hướng dẫn chi tiết tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Song, cơ quan chủ trì soạn thảo luật đã nhận được phản ánh, ở một số doanh nghiệp vẫn tồn tại 3 loại thu nhập, bao gồm thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, thu nhập để doanh nghiệp thực hiện quyết toán và thu nhập thực tế chi trả cho người lao động.
Trong khi đó, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội luôn ở mức thấp nhất, bằng mức lương tối thiểu vùng, cộng 7% đối với các lao động đã qua đào tạo nghề và cộng thêm 5% hoặc 7% đối với lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là chế độ hưu trí khi về già.