Lịch sử của Ngày Quốc tế lao động 1/5
(Dân trí) - Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, ngày 1/5/1886, tại thành phố Chicago (Mỹ), một sự kiện quan trọng đã diễn ra và đánh dấu bước phát triển của phong trào công nhân trên toàn thế giới.
Sự kiện mở màn
Khi đó, hàng chục ngàn công nhân toàn thành phố Chicago đã tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố với khẩu hiệu "Ngày làm việc 8 giờ". Cuộc bãi công này nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Lao động Mỹ.
Đây là kết quả của quá trình đấu tranh lâu dài từ nửa cuối thế kỷ 19 của công nhân lao động nhiều nước trên thế giới khi bị bóc lột sức lao động nặng nề.
Cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân sinh, dân chủ, vì sự tiến bộ xã hội bị đàn áp đẫm máu, song đã tạo được sự hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của công nhân khắp nơi trên nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới lên tiếng ủng hộ công nhân Chicago.
Khẩu hiệu "Ngày làm việc 8 giờ" trở thành tiếng nói chung của công nhân lao động ở nhiều nước. Từ các cuộc đấu tranh của công nhân lao động, chính phủ một số nước buộc phải ban hành đạo luật ngày làm việc 8 giờ.
Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 01/5 làm Ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới.
Đánh giá về sự kiện này, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: "Từ đó, ngày 1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động và là ngày Lễ tại nhiều quốc gia, ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội".
Sắc lệnh số 22 tại Việt Nam
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam qua nhiều tác phẩm của Người, giúp công nhân lao động Việt Nam hiểu rõ phong trào cộng sản, công nhân, công đoàn thế giới, nhất là về Cách mạng Tháng Mười Nga và Ngày Quốc tế Lao động 1/5.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng ta đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công - nông.
Phong trào đấu tranh ngày 1/5/1930 đã mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 - 1931. Lần đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn, vận động của Công hội đỏ, công nhân cùng với nông dân mít tinh biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5, đấu tranh đòi quyền lợi, bày tỏ tình đoàn kết với công nhân lao động thế giới, tỏ rõ sức mạnh vô địch của khối liên minh công - nông.
Trong cao trào cách mạng giai đoạn 1936-1939, ngày Quốc tế Lao động được tổ chức công khai. Tại Hà Nội, ngày 1/5/1938, từ nhiều ngả phố, hơn 25.000 người đã tuần hành về Nhà Đấu xảo Hà Nội (nay là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô) để tiến hành cuộc mít tinh, nêu cao khẩu hiệu "Cơm áo, Hòa bình, Tự do".
Đây là cuộc mít tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ, biểu dương sức mạnh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Sau sự kiện Tuyên ngôn độc lập vào 2/9/1945, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 22c ngày 18/02/1946, quy định: Ngày 1/5 là một trong những ngày Lễ chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 29/4/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân lao động được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5.
Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, một cuộc mít tinh trọng thể kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động…