Lịch nghỉ Tết 2022: Tổng Liên đoàn lao động đồng thuận đề xuất nghỉ 9 ngày
(Dân trí) - Góp ý về dự thảo đề xuất phương án nghỉ Tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2022, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nêu quan điểm đồng thuận với phương án đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐ VN), ngày 11/10, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn xin ý kiến về dự thảo đề xuất phương án nghỉ tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2022.
"Với đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị và tổ chức chính trị - xã hội, Tổng LĐLĐ VN thống nhất với phương án ngày nghỉ tết Âm lịch Nhâm Dần là một ngày trước Tết và 4 ngày sau Tết như dự thảo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH", ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.
Trường hợp đề xuất dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Tổng LĐLĐ VN thống nhất với phương án 1, là: "Nghỉ ngày 2/9 Dương lịch và ngày liền kề trước ngày 2/9".
Với phương án này, công chức, viên chức sẽ có dịp nghỉ trọn vẹn trong 1 tuần, không phải chuyển sang ngày thứ 2 của tuần khác, tránh được việc phải bố trí lịch nghỉ bù cho người lao động.
Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, trường hợp với người lao động không phải là công chức, viên chức (gọi tắt là người lao động), Tổng LĐLĐ VN thống nhất với đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH.
Tuy nhiên, Tổng LĐLĐ VN cũng đề nghị bổ sung thêm quy định: "Nếu ngày nghỉ Tết trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù theo quy định tại khoản 3, Điều 111 Bộ luật Lao động. Khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ tết Âm lịch cho người lao động như quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức".
Với đề xuất nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 cho người lao động không phải là công chức, viên chức, Tổng LĐLĐ VN đề nghị thay cụm từ "người sử dụng lao động quyết định" bằng cụm từ "người sử dụng lao động bố trí", vì số ngày nghỉ đối với người lao động trong dịp lễ Quốc khánh đã được Bộ luật Lao động quy định, người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện, chứ không được quyết định.
Theo đó, "Người sử dụng lao động bố trí cho người lao động nghỉ 2 ngày (ngày 2 tháng 9 Dương lịch và một ngày liền kề trước hoặc sau).
Được biết, trong dự thảo đề xuất lịch nghỉ Tết Nhâm Dần, Bộ LĐ-TB&XH bày tỏ quan điểm chọn phương án kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần kéo dài 9 ngày, gồm 5 ngày nghỉ theo Luật Lao động và 4 ngày nghỉ cuối tuần. Tổng số ngày nghỉ, theo dự kiến, nhiều hơn 2 ngày so với số ngày nghỉ dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Kỳ nghỉ dịp Quốc Khánh được đề xuất lựa chọn phương án nghỉ kéo dài 4 ngày, gồm 2 ngày nghỉ theo Luật Lao động và 2 ngày nghỉ cuối tuần.
Hơn 80% người lao động đồng ý "vượt trần" giờ làm thêm
Cũng liên quan tới vấn đề thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của người lao động, Tổng LĐLĐ VN cũng công bố khảo sát cho thấy hơn 80% người lao động được hỏi đã đồng ý làm thêm vượt khung 40 giờ/tháng.
Cụ thể, trong số 17.876 người lao động cho ý kiến, có tới 82,1% người đồng ý làm thêm vượt trần 40 giờ/tháng.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, nhiều người lao động khi được hỏi đã nhận xét rằng, do nhiều tháng không được đi làm và không có hoặc thu nhập giảm sút. Bên cạnh đó, họ cũng bày tỏ sự chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp và mong được làm thêm giờ.
"Tuy nhiên, phần lớn người lao động đề nghị việc làm thêm giờ vượt mức trần không thể kéo dài và chỉ nên áp dụng trong vài năm…", ông Ngọ Duy Hiểu nói.