Lao động nữ 51 tuổi, 20 năm làm nghề nặng nhọc có thể nghỉ hưu, nhận lương?
(Dân trí) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phản hồi về thắc mắc cụ thể của người lao động liên quan đến tuổi nghỉ hưu và việc thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc gửi phản ánh đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị hướng dẫn đối với trường hợp một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dự kiến đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Bộ luật Lao động.
Cụ thể, tính đến ngày 1/7/2024, lao động nữ, 51 tuổi 8 tháng, có 19 năm 4 tháng làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tuy nhiên, người lao động muốn tiếp tục làm việc theo hợp đồng đã giao kết, chưa muốn nghỉ hưu.
Theo người lao động, đối với người thuộc đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động, việc nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn hay nghỉ hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo Khoản 1 Điều 169 Bộ luật Lao động do người lao động lựa chọn theo nguyện vọng.
Người lao động không đồng thuận việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, và làm thủ tục cho người lao động nghỉ hưu trước tuổi. Hai bên đã trực tiếp trao đổi về nội dung nêu trên nhưng không đạt kết quả.
Về việc này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 35 và điểm đ khoản 1 Điều 36 của Bộ luật Lao động năm 2019, thì người lao động và người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, khi người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật Lao động, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo luật hiện hành, tuổi nghỉ hưu của người lao động được quy định tại Điều 169, và được quy định chi tiết tại Nghị định số 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu năm 2024 của người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành là 56 tuổi đối với nam, và 51 tuổi 4 tháng đối với nữ.
Đối chiếu với các quy định nêu trên, trường hợp tính đến ngày 1/7/2024, lao động nữ 51 tuổi 8 tháng và có 19 năm 4 tháng làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, thì đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Như vậy, cả người lao động và người sử dụng lao động đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc nghiên cứu, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.