Lao động nam tham gia BHXH tự nguyện cũng được hưởng chế độ thai sản

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Để tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, Luật BHXH năm 2024 bổ sung thêm chế độ thai sản. Không chỉ lao động nữ sinh con, lao động nam cũng được hưởng chế độ này.

Theo ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Luật BHXH năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025) có 14 nội dung điều chỉnh quan trọng, một trong số đó là bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện.

Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản với mức là 2 triệu đồng cho mỗi con mới sinh (hoặc mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ).

Khoản trợ cấp này hoàn toàn do ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện mà người lao động không đóng thêm chi phí gì. Mức trợ cấp này còn được Chính phủ điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con còn được hưởng chính sách hỗ trợ khác theo quy định của Chính phủ.

Đây là chế độ hoàn toàn mới, tăng thêm quyền lợi cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Trong luật hiện hành (Luật BHXH năm 2014) không có quy định này.

Lao động nam tham gia BHXH tự nguyện cũng được hưởng chế độ thai sản - 1

Lao động nam tham gia BHXH tự nguyện cũng được hưởng chế độ thai sản (Ảnh minh họa: BHXH TPHCM).

Theo Điều 94 Luật BHXH năm 2024, ngoài lao động nữ sinh con thì lao động nam có vợ sinh con cũng được hưởng chế độ trợ cấp thai sản này.

Điều kiện để được hưởng trợ cấp thai sản này là người lao động có thời gian đóng BHXH tự nguyện (hoặc vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện) từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1 Điều 94 Luật BHXH năm 2024, có 2 trường hợp được nhận chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện.

Thứ nhất là lao động nữ sinh con có thời gian đóng BHXH tự nguyện (hoặc vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện) từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Thứ hai là lao động nam có vợ sinh con và lao động nam có thời gian đóng BHXH tự nguyện (hoặc vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện) từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi vợ sinh con.

Điều 94 Luật BHXH năm 2024 còn quy định cách giải quyết chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện với 5 trường hợp đặc thù.

Thứ nhất, trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản.

Thứ hai, trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong BHXH tự nguyện thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng trợ cấp thai sản.

Thứ ba, trường hợp người lao động vừa có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong BHXH tự nguyện và vừa có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong BHXH bắt buộc thì chỉ được hưởng chế độ thai sản trong BHXH bắt buộc.

Thứ tư, trường hợp mẹ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong BHXH bắt buộc, cha đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong BHXH tự nguyện thì mẹ được hưởng chế độ thai sản trong BHXH bắt buộc và cha được hưởng trợ cấp thai sản trong BHXH tự nguyện.

Thứ năm, trường hợp cha đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong BHXH bắt buộc, mẹ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong BHXH tự nguyện thì cha được hưởng chế độ thai sản trong BHXH bắt buộc và mẹ được hưởng trợ cấp thai sản trong BHXH tự nguyện.