Lãnh đạo Cục cảnh sát hình sự nói về vụ bé gái 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu
(Dân trí) - Theo ông Tô Cao Lanh, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự, sau khi xảy ra vụ án bé gái 3 tuổi bị đóng 9 chiếc đinh vào đầu, đơn vị này đã chỉ đạo thu thập chứng cứ và bắt ngay các đối tượng liên quan.
Ngày 22/2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì phối hợp với Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Xã hội tổ chức phiên giải trình về "tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em".
Trả lời yêu cầu của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh về quá trình điều tra xử lý 3 vụ việc bạo lực trẻ em, Đại tá Tô Cao Lanh (Phó Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự, Bộ Công an) cho biết, các vụ bạo lực trẻ em hầu hết do chính người thân, người có trách nhiệm nuôi dưỡng, quản lý các em.
Theo Đại tá Tô Cao Lanh, các vụ việc diễn ra trong môi trường kín nên gặp khó khăn trong việc phát hiện và phòng ngừa. Ngoài ra, nhiều người dân vẫn còn có quan niệm sai lầm khi cho rằng xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em là việc riêng của mỗi gia đình. Vì vậy, họ chưa có ý thức tố giác để ngăn chặn nên nhiều vụ diễn ra trong thời gian dài mới phát hiện.
Phó Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự còn cho biết, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều người mất việc làm, khó khăn trong kinh tế và mâu thuẫn gia đình là những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em.
Ông Tô Cao Lanh cho biết, ngay sau khi các vụ án xảy ra, Bộ Công an và công an các địa phương đã vào cuộc ngay. Cụ thể, như vụ bạo hành bé 8 tuổi dẫn đến tử vong tại TPHCM do Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái thực hiện và vụ bắn 9 đinh vào đầu bé 3 tuổi tại Thạch Thất (Hà Nội), vụ ném cháu 5 tuổi xuống sông tại Quảng Nam.
"Như vụ bắn 9 chiếc đinh vào đầu bé 3 tuổi tại Thạch Thất (Hà Nội), chúng tôi đã chỉ đạo thu thập chứng cứ, chỉ đạo bắt ngay các đối tượng. Lãnh đạo Bộ đang chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng điều tra kết luận, và công khai kết quả điều tra", Đại tá Tô Cao Lanh thông tin.
Trao đổi thêm về tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình, ông Tạ Quang Đông (Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết, trong năm qua, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển gia đình đến năm 2030, chiến lược phát triển văn hóa, chống bạo lực gia đình đến năm 2025, tăng cường kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em trong gia đình và thanh tra kiểm tra phòng chống xâm hại trẻ em.
Theo nhận xét của ông Đông, địa phương nào có sự quan tâm của chính quyền thì ở đó sẽ làm tốt công tác phòng chống bạo lực trẻ em. Thứ trưởng Bộ Văn hóa cũng chỉ ra hàng loạt nguyên nhân dẫn đến bạo lực trẻ em. Cụ thể đó là xã hội còn tư tưởng bạo lực với trẻ em là chuyện riêng nên khó phát hiện và xử lý. Ngoài ra, do nhận thức của các cấp ủy Đảng chưa quan tâm, chú trọng nên việc chống xâm hại trẻ em còn nhiều hạn chế.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đánh giá phiên giải trình diễn ra trong không khí sôi nổi, thẳng thắn; các ý kiến chất vấn sâu sắc và tâm huyết; các báo cáo giải trình cụ thể, trọng tâm, thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng cho biết, nhiều vấn đề do đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp này đã được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan giải đáp thỏa đáng. Một số vấn đề khác chưa kịp giải sẽ được tổng hợp gửi các cơ quan để tiếp tục trả lời ý kiến đại biểu Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ Công an phối hợp với chính quyền địa phương phát hiện kịp thời thông tin liên quan tới bạo lực trẻ em; xử lý nghiêm các trường hợp biết thông tin về các vụ việc xâm hại, bạo lực mà không báo tin đến cơ quan có thẩm quyền.
Ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn giải quyết các vụ việc ly hôn, trong đó quy định rõ khi quyết định quyền nuôi con phải xem xét quyền lợi mọi khía cạnh của trẻ em, chú trọng khả năng bảo vệ trẻ khỏi bị nguy cơ xâm hại, bạo lực.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn việc phát triển mạng lưới cộng tác viên làm công tác trẻ em ở cơ sở để thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao cho cán bộ làm công tác trẻ em. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về tiếp nhận thông tin, xử lý tin báo, tố giác về các trường hợp bị xâm hại, bạo lực hoặc có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực…