Lần đầu Việt Nam có chương trình truyền thông riêng về bình đẳng giới

An Linh

(Dân trí) - Lần đầu tiên Việt Nam có một chương trình truyền thông riêng về bình đẳng giới với tầm nhìn đến năm 2030.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1790/QĐ-TTg ngày 23/10/2021 phê duyệt Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030.

Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 100% bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hằng năm.

Phấn đấu đến năm 2030 nhận thức về bình đẳng giới của các nhóm đối tượng trong cộng đồng tăng từ 10 - 15% so với năm 2025.

Lần đầu Việt Nam có chương trình truyền thông riêng về bình đẳng giới - 1

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khai mạc Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020

Phấn đấu đến năm 2025 đạt ít nhất 70% cơ quan truyền thông áp dụng thí điểm và đến năm 2030 đạt 90% cơ quan truyền thông chính thức áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông.

Đến năm 2025 đạt 95% và đến năm 2030 đạt 100% các hương ước, quy ước của cộng đồng đã được thông qua không có sự phân biệt đối xử về giới.

Hằng năm, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân được truyền thông, phổ biến, cập nhật thông tin về pháp luật, chính sách về bình đẳng giới ít nhất 02 cuộc.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì thực hiện
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới, Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ của Chương trình.

Theo đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: truyền thông được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, là giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất.

Trong những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương, đã có nhiều cố gắng trong công tác truyền thông về bình đẳng giới. Trong đó có kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các chủ trương, chính sách khác về bình đẳng giới và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, để đạt được mục tiêu trên cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông, huy động nguồn lực, phương tiện và sự tham gia, hưởng ứng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là các nhà lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trong xã hội.

Mở rộng và đẩy mạnh công tác giáo dục về bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em; xây dựng và áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ truyền thông, phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên truyền thông các ngành, các cấp.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, nhân rộng các mô hình truyền thông về bình đẳng giới có hiệu quả.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc đưa nội dung bình đẳng giới vào chương trình giảng dạy chính thức của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng kiến thức giới, bình đẳng giới cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.