Hơn 10 triệu lượt người được tiếp cận kiến thức về bạo lực trên cơ sở giới
(Dân trí) - Hơn 1 năm qua, 300 phụ nữ, trẻ em gặp bạo lực, phải xin chỗ trú ngụ. Mỗi tháng có hơn 1.000 cuộc gọi "kêu cứu"... Đây là những con số được nêu tại hội thảo về mô hình phòng chống bạo lực tại VN.
Ngày 20/10, tại Hà Nội, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn quốc (KOICA) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổng kết Dự án "Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam".
Sau gần 4 năm đi vào thực hiện (2017-2021), hơn 10 triệu lượt người được tiếp cận với kiến thức về bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là kiến thức về bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái thông qua việc tổ chức 3 chiến dịch truyền thông toàn quốc hàng năm.
Hưởng ứng "Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới" hàng năm từ ngày 15/11 - 15/12. Các hoạt động truyền thông tập trung vào các khu công nghiệp tại Quảng Ninh và một số địa phương, nhằm góp phần thúc đẩy văn hóa nói không với quấy rối tình dục tại môi trường làm việc.
Theo đó, mục tiêu của dự án đưa ra nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bạo lực, đặc biệt là bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em gái và thay đổi thái độ, hành vi đối với bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời, dự án cũng thiết lập mô hình cung cấp các dịch vụ thiết yếu, tích hợp hỗ trợ người bị bạo lực giới lần đầu tiên tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo tổng kết dự án, Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: "Chính phủ Việt Nam đã luôn nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Trong các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, phụ nữ, trẻ em luôn được xác định là đối tượng ưu tiên và có hỗ trợ cao hơn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, phụ nữ bị nhiễm Covid-19, trẻ em mồ côi do bố mẹ tử vong bởi Covid-19,... điều này đã góp phần giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực và nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá cao các kết quả của dự án, đây thực sự là một điểm sáng trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và là căn cứ thực tiễn quan trọng trong việc xây dựng chính sách về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới".
Dự án là mô hình hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực hoặc là đối tượng bị bạo lực. Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 4/2020, Ngôi nhà Ánh Dương đã thực hiện tiếp nhận và hỗ trợ cho 300 phụ nữ và trẻ em bị bạo lực giới. Trong đó, trung tâm cung cấp dịch vụ hỗ trợ toàn diện tại một điểm bao gồm các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc y tế ban đầu, tư vấn, phúc lợi xã hội, an ninh và tư pháp.
Đến nay, đường dây nóng hoạt động miễn phí 24/7 đã tiếp nhận trung bình hơn 1.000 cuộc gọi hàng tháng. Gần 500 cán bộ trực tiếp cung cấp dịch vụ cho người bị bạo lực giới đã được tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực.
Bên cạnh việc hỗ trợ khẩn cấp, đảm bảo quyền cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực, các hoạt động của mô hình cũng đã hướng tới việc kết nối, hỗ trợ an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài trong tương lai cho các nhóm đối tượng yếu thế.
Đại diện cho nhà tài trợ, Ông Cho Han-Deog - Giám đốc Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Hàn Quốc, chia sẻ: "Ở KOICA, chúng tôi kiên định với văn hóa nói "không" với bạo lực giới ở bất kỳ hình thức, cách thức nào. Dự án này đặt nền móng vững chắc cho những nỗ lực sắp tới nhằm cung cấp dịch vụ tích hợp hỗ trợ người bị bạo lực giới, đồng thời góp phần tạo nên các cộng đồng không xảy ra bạo lực trong tương lai".
Dự án thể hiện tính linh hoạt trong quá trình thực hiện nhằm đáp ứng thực tế tình hình tại Việt Nam. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra tại Việt Nam, UNFPA đã cảnh báo tình trạng gia tăng nguy cơ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái dựa trên số cuộc gọi đến đường dây nóng xin trợ giúp tăng đáng kể.
Do vậy, UNFPA đã hỗ trợ và phối hợp phân phát 4.000 bộ đồ dùng thiết yếu bao gồm các vật dụng thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái cùng các thông tin về bạo lực trên cơ sở giới, cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực giới và bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang và TPHCM.
Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam, bà Naomi Kithara nói: "Tôi vui mừng trước những kết quả cụ thể mà dự án đã đạt được, nhiều kết quả đạt được từ các hoạt động, nỗ lực lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Và tôi cũng vui mừng vì chúng ta đã hỗ trợ những người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ bị bạo lực giới một cách hiệu quả, với sự tôn trọng và bảo vệ phẩm giá của người phụ nữ".
Bà Naomi Kitahara tái khẳng định những cam kết và ủng hộ của UNFPA nhằm góp phần vào các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái, đảm bảo tất cả phụ nữ và trẻ em gái được sống cuộc sống không có bạo lực, với phẩm giá của họ, từ đó, hoàn thành chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Tổng kết dự án, các đại biểu cũng đánh giá, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì vẫn còn những thách thức trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 được ghi nhận như chất xúc tác khiến cho tình trạng bạo lực trở nên trầm trọng hơn, ảnh hưởng và thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, tinh thần, năng suất lao động của bản thân nạn nhân và những người liên quan.
Vì vậy, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và người dân cần chung tay, đồng lòng, vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn để giảm thiểu, chấm dứt tình trạng này.