Kỳ tích nơi vùng biên
(Dân trí) - Những quả đồi bỏ hoang được thay thế bằng các thửa ruộng bậc thang, rẫy sắn, ngô xanh mướt… Với kỳ tích của mình, già làng Thò Nênh Thông được bà con yêu mến gọi là "cây cổ thụ của bản".
Làm con của bản
Trong 142 người được bầu chọn là người có uy tín của huyện biên giới Tương Dương, Nghệ An có già Thò Nênh Thông, ở bản Chà Lâng, xã Hữu Khuông. Già Thông được bà con nơi đây gọi với tên thân mật "Ntoong Lau" (cây cổ thụ của bản).
Đã gần 8h, sương còn phủ dày trên đỉnh núi, vợ chồng già Thông đã dậy bắt đầu công việc thường ngày như xay lúa, chuẩn bị thức ăn cho đàn vật nuôi trước khi lên nương. Cuộc sống bình dị, quanh năm gắn bó với núi rừng, già Thông đã góp phần tạo nên kỳ tích trên mảnh đất này.
Già Thông kể, ông không phải là người sinh ra ở bản Chà Lâng. Năm 1997, trong một lần đến thăm con ở đây, ông thấy đất đai màu mỡ, có khả năng phát triển kinh tế.
"Ta (tôi-PV) thấy mảnh đất này trù phú nên bàn với gia đình và quyết định xin ở lại "làm con của bản". Người Mông ta vốn cần cù chịu khó, nhưng với tập quán chăn nuôi lạc hậu, giống cây trồng năng suất không cao nên bản Chà Lâng còn nhiều khó khăn", già Thông kể.
Về bản được 3 năm, thấy Thông siêng năng, nhiệt tình, lại là đảng viên, năm 2000, ông được bầu làm Bí thư Chi bộ bản Chà Lâng. Cái bụng già Thông vui, nhưng cảm thấy trách nhiệm của mình nặng hơn.
Hồi đó, ông nhiều đêm suy nghĩ làm thế nào để bà con không chỉ ấm cái bụng mà còn phải làm ra của cải để trao đổi những vật dụng thiết yếu phục vụ cuộc sống, con, cháu được học hành đến nơi đến chốn… Trong khi đó, bản Chà Lâng là một địa phương xa xôi, giao thông đi lại khó khăn bậc nhất ở huyện Tương Dương.
Rồi ông quyết định vượt núi, đi thuyền về xã, ra huyện xin chủ trương, xem và học hỏi cách làm cho con bò, con lợn lớn nhanh; cây ngô bắp to, hạt đều; cây lúa không chỉ trổ trên nương, mà mẩy hạt trên những thửa ruộng bậc thang.
"Không phải nói làm là làm được ngay, khi mà chính bản thân ta vẫn chưa cởi bỏ được tập quán canh tác, sản xuất cũ. Chỉ khi ta đến tận nơi, thấy các hộ ở các bản có cùng địa hình, khí hậu với bản mình, họ làm được như điều ta nghĩ, thì mới định hình được phải làm gì tiếp theo…", già Thông tâm sự.
Truyền thông ở nơi không chợ, không đường, không vô tuyến
Nói là làm, già Thông bắt tay vào khai hoang trồng lúa nước, những triền đồi quanh năm ẩm ướt có mạch nước ngầm, ông phân công các thành viên trong gia đình, người nhặt đá, người be bờ lấy nước, vỡ từng mảnh đất để làm ruộng bậc thang.
Lần đầu làm ruộng, với biết bao bỡ ngỡ, có người từng nói "đố làm được" khi thấy vụ lúa đầu tiên thất bại. Già Thông lấy đó làm động lực để quyết tâm, phải làm ra được hạt lúa nước, để bà con không phải bỏ bản, phá rừng làm rẫy ở xa nữa... Thế là những thửa ruộng bậc thang có diện tích gần 1.500m2 uốn lượn dần hình thành như bức tranh sơn thủy.
Bồ lúa nhà già Thông đã đầy ắp, kho ngô chật kín, gia đình không còn lo thiếu cái ăn. Lúc này, ông bàn với vợ mua thêm con bò về nuôi, tận dụng những triền đồi ven suối, làm chuồng trại nuôi thêm con lợn, con gà đen để đổi lấy tiền cho con đi "tìm cái chữ".
Lần lượt con trai, con gái nhà già Thông là người đầu tiên trong bản đi học, có bằng chuyên nghiệp. Nay người là công an, người làm bác sĩ trung tâm y tế, người công tác ở UBND xã.
Với già Thông, làm việc gì, đến đâu ông cũng đặt việc tuyên truyền cho bà con bản mình lên hàng đầu.
"Để nói bà con hiểu và cùng làm mất khá nhiều thời gian. Với một bản như Chà Lâng không chợ, không đường, không vô tuyến…, tôi đến từng nhà vận động người già không trông chờ, ỷ lại vào chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Đối với lớp trẻ thì tôi cầm tay, chỉ việc...", già Thông kể.
Để bà con thay đổi, ông lấy ví dụ cụ thể về những trường hợp trong bản, trong xã không chịu học hỏi, lười lao động, nghiện hút... Khi lời của già Thông được bà con nghe, nết cũ được bà con sửa, cùng xắn quần, vác cuốc đi làm lúa nước, lớp trẻ phát triển chăn nuôi và làm kinh tế hộ để thoát nghèo.
Ông còn tham mưu với lãnh đạo xã cách giúp dân vay vốn chính sách để làm kinh tế.
Anh Và Bá Mùa, người được già Thông bày cách thoát cái đói, cái nghèo, tự hào: "Già Thông về làm con của bản Chà Lâng, biết thắt chặt tình đoàn kết, bày cho bà con làm ruộng, chăm sóc vật nuôi… Thế là nhà ta cũng có trâu, bò để nuôi. Ở bản ta ai nghe ông cũng biết làm và có cái ăn, con cái được đi học, gia đình vui vẻ...".
Từ suy nghĩ đến cách làm và nỗ lực của già Thông, những quả đồi bỏ hoang trước đây ở Chà Lâng nay được thay thế bằng những thửa ruộng bậc thang, rẫy sắn, nương ngô xanh mướt với 18ha ruộng nước, 66ha sắn cao sản; duy trì được tổng đàn trâu, bò gần 400 con.
Đặc biệt già Thông còn tìm ra giải pháp khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển được 17ha măng đắng, được xem là đặc sản của vùng lòng hồ Tương Dương.
Bà Pịt Thị Thỏa, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hữu Khuông chia sẻ: "Già Thông rất khéo léo trong vận động đồng bào Mông bản mình thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng chuồng trại chăn nuôi xa nhà ở để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Già còn tham gia với cấp ủy, ban quản lý bản, đưa nội dung cai nghiện và tự cai nghiện trở thành một trong những nội dung khi xây dựng quy ước, hương ước của bản. Mấy năm nay bản Chà Lâng không có người liên quan đến ma túy, người dân ý thức hơn trong việc làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ít dần đi tính trông chờ, ỷ lại như trước đây".
Sau nhiều năm miệt mài lao động, tìm ra cách làm kinh tế cho gia đình, bản, cùng cấp ủy cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Đã nhiều lần già Thò Nênh Thông vinh dự được nhận Bằng khen, Giấy khen điển hình "già làng, người có uy tín các dân tộc thiểu số" của các cấp.
Nhưng với già Thông, niềm vui lớn nhất, tự hào nhất là cái tên được bà con yêu mến dành cho mình là "Ntoong Lau" của bản.