Già làng và câu chuyện bảo vệ "báu vật" nơi đại ngàn

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Hàng chục năm qua, bà con dân bản Na Hang, xã Mai Sơn, Tương Dương, Nghệ An thành lập các đội tuần tra, cần mẫn bảo vệ những "báu vật" giữa đại ngàn, đó là những cây đinh hương.

Lập đội tuần tra quyết giữ rừng

Vượt hàng trăm km đường trường, với những con dốc cua tay áo trên quốc lộ 7, rồi quốc lộ 16, chúng tôi tìm về bản Na Hang, xã biên giới Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An để tận mắt chứng kiến "báu vật" của rừng. Đó là những cây đinh hương cổ thụ, sừng sững giữa núi rừng, được bà con dân bản Na Hang bảo vệ suốt hàng chục năm qua. 

Già làng và câu chuyện bảo vệ báu vật nơi đại ngàn - 1

Ông Kha Văn Tuấn trong một lần đi kiểm tra rừng đinh hương.

Trước khi cấm cửa rừng, bà con Na Hang đã đưa những cây đinh hương trên diện tích rừng của bản vào "danh sách đỏ", thuộc diện bảo vệ nghiêm ngặt. Cũng nhờ thế, đến nay, hàng trăm cây đinh hương vẫn còn đó, sừng sững giữa đại ngàn.

Già làng và câu chuyện bảo vệ báu vật nơi đại ngàn - 2

Những thân cây đinh hương lớn ở Na Hang.

Già làng và câu chuyện bảo vệ báu vật nơi đại ngàn - 3

Ông Kha Văn Tuấn cho biết, đấu tranh giữ rừng đối với ông bằng mọi giá phải làm được.

Già làng Kha Văn Tuấn (SN 1962, bản Na Hang) kể: "Gốc cây này đã hơn tuổi của ta rồi, những người bản ta không biết nó có từ khi nào. Chuyện về nó dài lắm, như ngọn núi Pu Hang đầu bản, dài như con suối Huồi Xá. Ta kể là để con cháu nghe, không ai được chặt phá và ghi nhớ về một báu vật của bản". 

Cũng theo già làng Tuấn, người dân Na Hang, chủ yếu là hộ nghèo, phát nương làm rẫy, chặt cây rừng bán lấy tiền để mua gạo, sinh sống qua ngày… Thấy dân bản lên rừng chặt cây nhiều quá, ông nóng ruột. Ông bảo, khi ấy mọi chuyện lại không như "cái bụng" của ông nghĩ, vì hàng ngày, người dân Na Hang vẫn phải bám vào rừng đinh hương để mà sống, tồn tại. Thế là "máu" của cây đinh hương ở Na Hang vẫn chảy trước mắt, khiến ông càng xót xa hơn.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, lúc ấy ông Tuấn nhận ra rằng, dân bản không muốn làm theo ý mình, vì cuộc sống của họ còn nghèo, còn đói và phải dựa vào rừng để kiếm gạo nuôi con. Ngay cả vợ chồng ông cũng phải làm rẫy để có lúa nuôi con, nói gì đến dân bản. 

Già làng và câu chuyện bảo vệ báu vật nơi đại ngàn - 4

Phóng viên Dân trí cùng người dân thực tế rừng đinh hương ở bản Na Hang.

Già làng và câu chuyện bảo vệ báu vật nơi đại ngàn - 5

Rừng đinh hương ở Na Hang được giữ nên những cây phong lan cũng phát triển tốt.

Khi đó, nghe tin người bản ngoài làm ruộng nước, được nhiều lúa hơn làm rẫy, ông Tuấn quyết định tìm đến học. Nhưng giữa lúc ấy, ngay cả vợ con ông Tuấn cũng phản đối ý định của ông.

"Sau khi đi học nghề làm lúa nước ở bản ngoài về áp dụng vào chính mảnh đất của mình thì thấy cây lúa rất tốt, được nhiều hạt…", ông Kha Văn Tuấn vui vẻ chia sẻ.

Già làng và câu chuyện bảo vệ báu vật nơi đại ngàn - 6

Hiện diện tích rừng của bản Na Hang còn khoảng gần 100 gốc đinh hương.

Vụ đầu tiên, gia đình ông Tuấn thu lúa đầy kho, làm cơm mới, mời bà con dân bản đến chung vui. Đồng thời cũng khẳng định với dân bản rằng, để có được hạt gạo không nhất thiết là phải phá rừng, chặt gỗ đinh hương để bán. Với quyết tâm của mình, ông Tuấn đã tổ chức một cuộc họp để bàn về việc bảo vệ cây đinh hương của bản làng. 

Già làng và câu chuyện bảo vệ "báu vật" nơi đại ngàn

Sau cuộc họp đêm ấy, dù ý kiến phản đối thì nhiều, nhưng bằng quyết tâm của ông Tuấn, đội tuần tra bảo vệ rừng của bản Na Hang được hình thành với 4 thành viên, do ông làm tổ trưởng.

Và rồi, đội bảo vệ rừng của Na Hang lại nhanh chóng tan rã, vì bản thân một số thành viên thấy việc giữ rừng là khó. Đồng thời, họ cũng nghĩ rằng trách nhiệm không thuộc về mình, hơn nữa trong "cái bụng" của họ cũng muốn chặt gỗ đinh hương bán, lấy tiền nuôi vợ, con.

Già làng và câu chuyện bảo vệ báu vật nơi đại ngàn - 7

Một cây đinh hương có tuổi đời 70-80 năm.

Có thời điểm, đội bảo vệ rừng chỉ còn một mình ông Tuấn giữa muôn vàn thách thức, trong khi những cây đinh hương trong rừng thì ngày một ít đi, khiến ông tuấn cảm thấy nản lòng. Nhưng bằng sự kiên trì, ông đã thuyết phục được tổ tuần tra bảo vệ rừng trở lại.

Khi thấy ruộng lúa nước của gia đình ông Tuấn được mùa, dân bản Na Hang đã học cách làm lúa nước và cho kết quả khá hơn phá rừng làm rẫy như trước kia.

Già làng và câu chuyện bảo vệ báu vật nơi đại ngàn - 8

Ông Kha Văn Tuấn đưa bà con dân bản ra tận cánh rừng để giải thích về việc bảo vệ cây đinh hương như một "báu vật" của bản làng, không ai được xâm hại.

"Lúc đấy ta cảm thấy chán nản vì làm không có hiệu quả, người thì bảo vệ, còn người lại chặt phá. Ta cũng suy nghĩ và tính giải pháp gì cho nó bền lâu hơn, phải bảo vệ chặt chẽ số gỗ đang tồn tại này. Thế là nỗ lực của mình cũng đã thành công…", ông Tuấn nhớ lại.

Già làng và câu chuyện bảo vệ báu vật nơi đại ngàn - 9

Anh Lương Văn Nam - người đã tham gia tổ bảo vệ "báu vật" từ năm 1997 đang phát quang dưới gốc cây đinh hương.

"Dân bản ta từ đấy gọi rừng đinh hương là "báu vật" của Na Hang. Không chỉ bởi đinh hương là gỗ quý, mà quý hơn cả là sự đồng sức, đồng lòng, vượt mọi khó khăn của cả bản để Na Hang có được rừng như ngày hôm nay. Từ nay trở đi, con cháu ai cũng phải có ý thức bảo vệ, không ai được chặt phá nó nữa", ông Tuấn phấn khởi chia sẻ thêm.

"Báu vật" của bản không gì có thể đánh đổi

Khu rừng của bản Na Hang có diện tích trên 100ha, hai bên các lối mòn đi vào rừng có thể dễ dàng bắt gặp những cây đinh hương nhỏ xen lẫn giữa các loài cây gỗ khác. Vào sâu trong rừng, chúng tôi sững người trước hàng loạt cây đinh hương lớn với thân gỗ một người ôm không xuể.

Già làng và câu chuyện bảo vệ báu vật nơi đại ngàn - 10

Những thân cây đinh hương thẳng tắp, đang vươn mình giữa đại ngàn.

Thân cây thẳng tắp, cao vút, vượt khỏi tán rừng xung quanh. Những lớp vỏ sần sùi, nâu mốc và bộ rễ cắm sâu vào lòng đất như bám chặt những mạch nguồn.

Anh Lương Văn Nam (SN 1980, trú bản Na Hang) là người đã tham gia tổ bảo vệ "báu vật" từ năm 1997 chia sẻ: "Hiện diện tích rừng của bản còn khoảng gần 100 gốc đinh hương trên 200 vanh, còn cây nhỏ hơn thì đếm không xuể. Gỗ đinh hương đắt nên nhiều người nhòm ngó lắm nhưng dân bản tôi quyết phải bảo vệ. Hàng tháng phải đi kiểm tra một vòng xem có bị chặt trộm không".

Những lối mòn trong khu rừng anh đều thuộc hết, đến đâu có gốc nào lớn, bé anh cũng nắm rõ như lòng bàn tay. Bởi đây là khu rừng của bản, mà anh cũng là người tham gia đội bảo vệ từ khi còn là một chàng trai 17 tuổi.

"Cây này mà hạ (chặt xuống) cũng bán được nhiều tiền nhưng không ai dám, vì làm như thế là phạm vào điều cấm của bản, bị phạt nặng lắm". Vừa nói anh Nam vừa đưa tay phát những thân cây leo đang bám quanh gốc đinh hương đại thụ với nụ cười hiền hậu. 

Già làng và câu chuyện bảo vệ báu vật nơi đại ngàn - 11

Một góc Na Hang hôm nay.

Già làng và câu chuyện bảo vệ báu vật nơi đại ngàn - 12

Ruộng lúa nước xanh mướt của bản Na Hang.

Từ năm 1994, dân bản Na Hang đã lập quy ước riêng để bảo vệ những cây đinh hương quý trước những cuộc "thảm sát" rừng. Ai vào rừng của bản đốn hạ đinh hương sẽ bị phạt rất nặng.

Anh Kha Văn Ba - Bí thư Chi bộ bản Na Hang chia sẻ: "Trước đây, nhiều người ở nơi khác cũng muốn phát rẫy ở đây nhưng bà con không cho. Mọi người cùng đồng lòng bảo vệ, với dân bản, đây là những tài sản vô giá".

Già làng và câu chuyện bảo vệ báu vật nơi đại ngàn - 13

Rừng đinh hương Na Hang hôm nay đang phát triển tốt.

Ông Kha Văn Ót, Trưởng bản Na Hang, xã Mai Sơn cho biết: "Hàng tháng đội bảo vệ sẽ đi kiểm tra một lần. Để có được cây đinh hương đẹp như hôm nay là nhờ sự tâm huyết của ông Kha Văn Tuấn nói riêng và cả bản nói chung. Bản Na Hang giờ không đói, không nghèo nữa, chúng tôi tự nguyện bảo vệ cây đinh hương. Nó là "báu vật", là niềm tự hào của bản, bảo vệ cho con, cháu sau này…".

Nơi đây chúng tôi đếm không xuể, ôm không hết những gốc đinh hương quý, đây thực sự là những "báu vật của rừng" mà bà con dân bản Na Hang đã giữ được cho thế hệ mai sau. 

Bản Na Hang, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương có 27 hộ dân với 131 nhân khẩu. Số diện tích rừng quản lý bảo vệ của bản Na Hang là hơn 60ha, trong đó rừng đinh hương trên 30ha.