Kinh hoàng "sức mạnh" đàn ông tung nắm đấm nhằm vào bé gái, phụ nữ
(Dân trí) - Ngay nơi công cộng giữa thủ đô, người đàn ông 34 tuổi cao to, lực lưỡng vung tay tát, đưa chân đá bé gái 4 tuổi vì lỡ bị quả bóng đồ chơi văng vào mặt.
Sự việc xảy ra ngay trong Tháng hành động vì trẻ em, giữa thủ đô. Một người đàn ông 34 tuổi cao to, lực lưỡng đưa tay tát, giơ chân đá và cả quát tháo, dọa nạt một bé gái 4 tuổi.
Diễn biến sự việc không mang tính chất ghê rợn như nhiều vụ bạo hành trẻ em nhưng phơi bày cách hành xử méo mó nếu không muốn nói là bệnh hoạn của người đàn ông mạnh chân khỏe tay.
Sức mạnh của một người đàn ông, ở đây, không thể hiện ở sự chính nghĩa, hào hiệp, để bảo vệ người yếu thế với tinh thần "nam nhi đại trượng phu" mà ngược lại thể hiện ở hành động tấn công thẳng bằng nắm đấm vào người yếu thế, trong trường hợp này là một bé gái 4 tuổi.
Ngoài câu chuyện trên, qua nhiều sự việc khác, sức mạnh đàn ông cũng được phát huy tích cực trong việc dùng nắm đấm với phụ nữ, từ việc hành hung phái yếu ở nơi công cộng như ngoài đường, thang máy... cho đến việc đánh đập vợ, người thân ở trong nhà, quanh bốn bức tường.
Nhiều người vẫn hoảng hốt trước sự việc một vị Đại úy công an ở Bình Dương cùng một số người đàn ông lao vào đánh, đấm, lên cùi chỏ chị N.T.A.H. (33 tuổi) hồi tháng 4 vừa qua.
Khi gia đình chị H. đi xe vào hẻm để vào nhà thì bị một số ô tô dựng chắn lối không thể vào trong. Người phụ nữ này đi tìm chủ xe nhờ di chuyển thì xảy ra cự cãi với một số người đang tổ chức tiệc ở đây khi họ không đồng ý di chuyển xe, nhường đường.
Sau một lúc cự cãi, hai bên xảy ra xô xát. Chị H. bị một số người đàn ông dùng tay chân tấn công, đánh vào đầu, cơ thể. Hình ảnh từ camera hành trình của ô tô ghi lại còn thể hiện cảnh người đàn ông giữ tay, giật cùi chỏ, khống chế chị H. Trong những người hành hung chị H., có vị Đại úy công an mà dư luận đã lên án.
Hay mới tháng trước, Phó trưởng Công an phường Sông Bằng, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng có hành vi lao vào tiệm tóc đánh một phụ nữ vào giữa đêm khuya cũng gây bức xúc dư luận.
Sau đó, vị công an phường bị kỷ luật nhưng người chứng kiến vẫn không hết ghê tởm cảnh tượng một người đàn ông đánh, tát vào mặt phụ nữ giữa phố.
Gần đây nhất, Facebook lan truyền clip quay lại cảnh va chạm giao thông giữa hai người phụ nữ ở phố Nhân Hòa, Hà Nội. Sự việc cãi vã giữa hai người phụ nữ kết thúc bằng việc có hai người đàn ông xuất hiện (được một trong hai người phụ nữ gọi đến - PV), lao vào đánh, tát, hành hung người phụ nữ còn lại.
Cùng thời điểm trên, cũng ở Hà Nội, xảy ra sự việc người đàn ông hành hung một phụ nữ khi đi cùng thang máy tại chung cư Hateco. Anh ta xô, đánh, đấm thẳng nhiều cú vào mặt người phụ nữ trong sự ngỡ ngàng của những người đi cùng...
Nắm đấm với phụ nữ trong bốn bức tường
Hình ảnh đàn ông đánh phụ nữ nơi công cộng làm mọi người phẫn nộ, khinh thường. Còn nắm đấm của người đàn ông với người phụ nữ xảy ra ngay trong mỗi gia đình, trong bốn bức tường, có thể ngay trước những mặt đứa trẻ khóc thét hoảng loạn... cũng tạo nên cảm xúc tiêu cực không kém. Nặng nề hơn, người phụ nữ bị bạo hành ở đây không phải người ngoài đường, người xa lạ mà là vợ của họ, mẹ của con họ.
Cũng đã từng xuất hiện không ít clip ghi lại cảnh những ông chồng đánh đập, hành hạ vợ, có khi cảnh tưởng kinh khủng đó xảy ra ngay trước mặt những đứa con.
Chưa kể, có những hình ảnh bạo hành vợ không bao giờ được ghi lại, được che đậy sau những bức tường, sau những vết thâm mà những người vợ bao biện là do té, tai nạn.
Theo điều tra quốc gia năm 2019, có 63% phụ nữ Việt Nam đã lập gia đình trải qua bạo lực. "Lượng hóa" một cách dễ hiểu hơn, cứ 3 phụ nữ đã kết hôn thì 2 người trải qua bạo lực. Chưa nói đến mức độ càng nghiêm trọng hơn khi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nói về cách hành xử thô bạo của nam giới trong tương quan với mọi người, nhất là với phụ nữ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải - Cố vấn chuyên môn Hội quán các bà mẹ chia sẻ, việc này có phần xuất phát từ giáo dục trong gia đình và cả bất bình đẳng giới trong xã hội. Nhiều bạn trai mang tư tưởng bạo lực ảnh hưởng từ chính bố mình, hành xử thô lỗ, kỳ thị phụ nữ.
Theo bà, chính tư tưởng trọng nam khinh nữ, thiếu bình đẳng trong giáo dục giới tính kiểu "nam giới thế nào cũng được" trở thành rào cản để xã hội, gia đình có những người đàn ông, những người chồng, người cha... ga lăng, lịch thiệp, tôn trọng phụ nữ, biết sử dụng sức mạnh của mình vào những việc giúp mối quan hệ trong đời sống xã hội trở nên tốt đẹp hơn.
Vị bác sĩ nhấn mạnh, ngay từ nhỏ, mỗi gia đình cần giáo dục các bé trai, bé gái nhằm tạo ra một mối quan hệ lành mạnh trong tương lai. Chúng ta dạy các bé gái giữ gìn bản thân, độc lập, tự chủ thì đừng quên dạy các bé trai biết tôn trọng phụ nữ, chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
"Các bạn trai cần hiểu sức mạnh của người đàn ông không nằm ở nắm đấm, ở việc bắt nạt người yếu thế. Sức mạnh của người đàn ông là để vun đắp, bảo vệ các mối quan hệ đẹp đẽ với mọi người, đặc biệt là quan hệ với người khác phái như với mẹ, với em gái, cô giáo, chị dâu, đồng nghiệp nữ... ", bác sĩ Nguyễn Lan Hải trải lòng.
Vì chỉ có như vậy, mới tạo ra thế hệ đàn ông Việt có hiểu biết pháp luật, có sự phát triển về mặt cảm xúc, biết ứng xử lịch sự, tế nhị... để thay đổi bộ mặt gia đình, xã hội.