Bị chồng bạo hành, vợ trốn vào nhà tắm... gọi điện cầu cứu

Hoài Nam

(Dân trí) - Nghiên cứu gần đây thực hiện với hơn 300 phụ nữ tại Hà Nội chỉ ra 99% chị em cho biết gia đình có rất nhiều mâu thuẫn, lục đục trong đại dịch, 88% mẫu nghiên cứu cho biết bị chồng bạo lực tinh thần...

Những con số, câu chuyện ám ảnh về bạo lực gia đình được nêu ra tại sự kiện ra mắt "Messenger Bot Yêu thương và Tự do" hỗ trợ người bị bạo lực giới, diễn ra tối 20/10.

Bị chồng bạo hành, vợ trốn vào nhà tắm... gọi điện cầu cứu - 1

Các chuyên gia trao đổi về chủ đề bạo lực giới tại lễ mắt "Messenger Bot Yêu thương và Tự do"

Mang những nỗi buồn lẫn sự ám ảnh về bạo lực với phụ nữ trong những lần thực hiện các nghiên cứu về bạo lực với phụ nữ, TS Khuất Thu Hồng, Trưởng Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet) cho biết: "Nghiên cứu gần đây của mạng lưới phối hợp Trường ĐH Y tế Công cộng với hơn 300 phụ nữ tại Hà Nội chỉ ra 99% chị em cho biết gia đình có rất nhiều mâu thuẫn, lục đục trong đại dịch...".

Cũng theo kết quả nghiên cứu, 88% mẫu nghiên cứu cho biết bị chồng bạo lực tinh thần, hành hạ, xúc phạm rất nghiêm trọng. Đáng chú ý, 25% nói rằng họ bị bạo lực tình dục từ chính người chồng. 

Điều đáng nói, bà Hồng cảnh báo là có đến 60% nói rằng con cái họ phải chứng kiến việc bố bạo hành mẹ. Hơn một nửa chị em bị bạo lực không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA cho biết, điều kinh khủng là có hơn 500 cuộc gọi, tin nhắn trong đêm cần sự hỗ trợ. Nhiều phụ nữ phải thì thào trong nhà tắm hoặc chờ chồng uống say, ngủ mới dám gọi điện, nhắn tin cầu cứu vì sợ bị phát hiện. 

"Có chị em kể, họ đã lao ra sông mấy lần để kết thúc nhưng nghĩ đến con nhỏ nên lại quay về rồi khổ sở sống trong cảnh luôn bị hành hạ" - TS Khuất Thu Hồng kể. 

Thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), từ tháng 1-6, họ tiếp nhận 2.570 ca bạo lực với gần 3.500 cuộc gọi hỗ trợ. 

Bà Vân Anh nhớ nhất trường hợp xảy ra ở một tỉnh phía Bắc, người chồng không chỉ bạo lực với vợ mà còn bạo lực trầm trọng với hai con riêng của chị, xâm hại tình dục với hai đứa trẻ. 

"Nhận được tin báo, chúng tôi đã phối hợp với Hội phụ nữ và Công an địa phương xử lý vụ việc", bà Vân Anh cho biết. 

Cứ 3 phụ nữ kết hôn thì 2 người gặp phải bạo lực 

Bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết, bạo lực gia đình tại Việt Nam đã phổ biến trước khi đại dịch Covid-19. Điều tra quốc gia tại Việt Nam năm 2019 cho thấy có 63% phụ nữ Việt Nam đã lập gia đình trải qua bạo lực hay cứ 3 phụ nữ đã kết hôn thì 2 người trải qua bạo lực. 

Bị chồng bạo hành, vợ trốn vào nhà tắm... gọi điện cầu cứu - 2

Sống trong bạo lực, có những người phụ nữ muốn kết thúc cuộc đời nhưng lại nghĩ thương con (Ảnh chụp lại màn hình từ sự kiện).

Covid-19 làm trầm trọng hơn tình trạng bạo lực không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Tình trạng bạo lực năm 2020 tăng từ 30% lên 300% trên toàn thế giới. 

Bà Nguyễn Phương Chi, quyền Giám đốc chính sách công của Facebook tại Việt Nam bày tỏ, đại dịch Covid-19 làm cho vấn đề bạo lực giới trở nên trầm trọng. Giãn cách xã hội, nạn nhân phải đối mặt thường xuyên với kẻ bạo hành trong không gian hạn chế; sự an toàn, quyền riêng tư của họ bị xâm hại nhiều hơn bất cứ lúc nào. Trong khi, trợ giúp hàng ngày trở nên khó tiếp cận.

Bà Elisa Fernandez bày tỏ, bạo lực gia đình thường diễn ra một cách bí mật và còn được xem là vấn đề cá nhân, riêng tư phải dấu kín. Tại Việt Nam, điều cần lưu ý nhất trong vấn đề bạo lực giới chính là và văn hóa im lặng.

"Chúng ta phải xây dựng được cộng đồng tạo ra không gian làm sao phụ nữ không phải xấu hổ khi kể ra tình cảnh của mình. Các đơn vị cung cấp dịch vụ tạo điều kiện tốt hơn nữa để phụ nữ tin tưởng tìm kiếm sự hỗ trợ", bà Elisa Fernandez nhấn mạnh.