"Kiếp nạn" quần áo từ thiện: Váy ngủ mỏng tang, quần lót rách te tua
(Dân trí) - Kiểm tra, soạn lại quần áo từ thiện, chị Lợi dở khóc, dở cười khi giơ lên những món đồ ủng hộ là áo dây kim tuyến, quần lót hình thú, thậm chí đã rách te tua...
10 bao tải quần áo không thể sử dụng
Trước những mất mát, thiệt hại của người dân ở các tỉnh phía Bắc sau bão số 3, chị Nguyễn Thị Lợi (xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ tiền mặt cũng như hiện vật cho bà con.
Ngoài thiệt hại về nhà cửa, tài sản, quần áo là những đồ thiết yếu mà người dân vùng lũ cần. Vì vậy, chị cùng nhóm đã kêu gọi mọi người trong khu vực quyên góp quần áo đã qua sử dụng.
Chỉ sau hai ngày phát động, nhóm chị Lợi đã nhận được rất nhiều quần áo của người dân quanh khu vực. Với những người muốn ủng hộ mà cách địa điểm tập kết hơn 10km, chị Lợi đến tận nơi để nhận.
Trước 50 bao tải quần áo chất đống, chị Lợi nhờ chị em trong khu vực đến hỗ trợ phân loại, gấp gọn gàng theo giới tính, lứa tuổi. Miệt mài làm đến 22h ngày 15/9, nhóm của chị mới có thể xử lý được hết số quần áo.
Trong quá trình phân loại đồ, cả nhóm đã trải qua bao trận khóc cười trước những chiếc váy hai dây, những món đồ ngủ gợi cảm, đồ tập thể thao "kiệm vải", bó sát hay quần áo lót cũ rích... Cùng cười xả căng thẳng vì những món đồ "hóc hiểm" đó, nhóm tình nguyện cũng thở dài vì suy nghĩ làm thiện nguyện dễ dãi, vô tâm của nhiều người.
Sau khi soạn xong đồ, nhóm chị Lợi đã phải bỏ 10 bao tải quần áo không thể sử dụng.
"Trong quá trình tiếp nhận đồ, chúng tôi cũng nhận được lời nhờ vả hỗ trợ soạn lại do người gửi quá bận rộn. Bên cạnh đó, có những người ủng hộ rất dụng tâm, chủ động soạn lại, sắp xếp quần áo theo cân nặng, lứa tuổi", chị Lợi chia sẻ.
Theo chị này, mọi người gửi đồ từ thiện đều xuất phát từ tấm lòng đồng cảm, biết sẻ chia. Tuy nhiên, việc gửi cả những trang phục không phù hợp, nếu không cẩn thận, để sót lọt thì người nhận đồ hẳn cũng sẽ suy nghĩ, mủi lòng.
Vì vậy, để hoạt động hỗ trợ đồng bào khó khăn vì thiên tai trọn vẹn hơn, chị kêu gọi người thiện nguyện dành chút thời gian sắp xếp, chỉ nên lựa, gửi đi những bộ quần áo thông dụng, sử dụng được.
Khi đó, người dân vùng cao nhận được trang phục sẽ đón nhận bằng cả tấm lòng. Vì quãng đường đi từ thiện có thể lên đến hàng trăm cây số nên cần tránh tình trạng mang đồ đến nơi mà người địa phương không dùng được.
Tặng đồ thiết thực
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, việc chi viện, giúp đỡ đồng bào trong vùng lũ lụt đòi hòi mỗi người cần tìm hiểu kỹ lưỡng về phong tục, tập quán, đặc điểm, tình hình, nhu cầu của người dân những nơi đó.
Bên cạnh những đơn vị giúp đỡ bằng tiền mặt, vừa qua có nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện từ TPHCM, miền Trung tổ chức quyên góp, chở lương thực, thực phẩm, công cụ lao động... trực tiếp đưa đến khu vực bị ảnh hưởng bão lũ.
Theo ông Trung, điều này thể hiện tình cảm sẻ chia, tăng thêm sự gắn bó, nghĩa đồng bào. Quần áo, chăn màn thực sự là những hàng hóa mà người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số bị mất mát, cần được bổ sung sau lũ. Đó có thể là chăn, màn, quần áo ấm, quần áo mùa hè...
"Tôi đã thấy cộng đồng mạng chia sẻ nhiều chuyện khóc cười về trang phục từ thiện không phù hợp như váy ngủ, áo dây, đồ gợi cảm đi chơi, đi tiệc... Những món đồ này mà gửi lên vùng bão lũ thì không phù hợp với thói quen sinh hoạt, đặc điểm công việc, sinh hoạt của người dân vùng núi.
Tặng/cho những món đồ như vậy vô hình chung là sự thiếu tôn trọng với người nhận. Của cho không bằng cách cho, lời đúc kết này rất đúng đắn", ông Trung nhận định.
Vì vậy, mỗi người dân hay các nhóm thiện nguyện khi ủng hộ quần áo cần cân nhắc, phân loại kỹ lưỡng, làm sao để số đồ đưa đi, xác suất sử dụng nhiều hơn. Bên cạnh đó, trước khi quyết định từ thiện, cần liên hệ trước với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan để nắm bắt được nhu cầu của người dân sở tại. Như vậy, tấm lòng, sự chia sẻ, cho đi của mọi người mới có thể phát huy tối đa hiệu quả, ý nghĩa.