1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Không phân biệt đối xử đối với lao động nữ

Xuân Hinh

(Dân trí) - Đây là thông tin quan trọng được chia sẻ trong chuyên đề "Những quy định đối với lao động nữ, bảo đảm bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động và An toàn sức khỏe phụ nữ trong thời kỳ Covid-19".

Không phân biệt đối xử đối với lao động nữ - 1

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho rằng, bản thân phụ nữ trước hết phải tự chăm sóc mình, sau đó là chăm sóc gia đình, cống hiến cho xã hội.

Chương trình được tổ chức bởi Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH). Đến dự Chương trình có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà - Ủy viên ban cán sự Đảng, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ; Đồng chí Hà Xuân Tùng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ; Đồng chí Lê Khánh Lương, Quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ; ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế; ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng, Trưởng đại diện Văn phòng tại TPHCM của Bộ LĐ-TB&XH và Thủ trưởng, Phó thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ khu vực miền Trung, miền Nam cùng sự có mặt của gần 100 đại biểu đại diện Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các đơn vị.

Quyền của lao động nữ trong môi trường làm việc

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, dịch bệnh Covid-19 diễn hơn 2 năm qua khiến phụ nữ phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức. Những hệ lụy do dịch bệnh gây ra đã tác động không nhỏ đến việc bảo vệ sức khỏe và quyền của phụ nữ, đặt ra những thách thức mới trong thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Thứ trưởng hy vọng với những kiến thức cơ bản từ các chuyên đề của khóa tập huấn sẽ giúp chị em cán bộ nữ của ngành LĐ-TB&XH vận dụng phù hợp vào thực tiễn công việc của mình để tham mưu, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ tại đơn vị, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nữ giới trong lao động, việc làm. Thứ trưởng mong muốn qua tập huấn, chị em sẽ có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe cá nhân và gia đình, đặc biệt trong thời kỳ hậu Covid-19, từ đó có điều kiện cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Thứ trưởng Hà yêu cầu các học viên chủ động, tích cực trao đổi, thảo luận các nội dung để bài giảng thêm sinh động, thiết thực và hiệu quả.

 Ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh trong lớp bồi dưỡng rằng, không phân biệt đối xử đối với lao động, đặc biệt là lao động nữ và thuộc nhóm LGBT. Do đó, trong Bộ luật Lao động 2019 quy định rõ người lao động có quyền không bị đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Không phân biệt đối xử đối với lao động nữ - 2

Toàn cảnh chương trình bồi dưỡng.

Bên cạnh đó, những thông tin về Bộ luật Lao động 2019 và văn bản quy định chi tiết; Nội dung của pháp luật lao động liên quan đến đảm bảo bình đẳng giới và lao động nữ cùng một số chính sách liên quan cũng được chia sẻ trong lớp bồi dưỡng.

Sức khỏe và bình đẳng giới

Ông Lê Khánh Lương, Quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới chia sẻ "Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới" (Tháng hành động) được triển khai từ năm 2016 nhằm hưởng ứng chiến dịch  16 ngày xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái do Liên Hợp quốc phát động.

Từ giai đoạn 2016-2021 Tháng hành động đã đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội  cho phụ nữ và trẻ em gái thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực  trên cơ sở giới. Đã có hơn 10 triệu người tham gia, tiếp cận với các hoạt động;120.000 hoạt động, sự kiện được tổ chức hưởng ứng tháng hành động. 

TS.BS Hồ Mai Hoa - Giảng viên Quốc gia chương trình Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cung cấp đến lớp bồi dưỡng những thông tin hữu ích về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. Đồng thời, chuyên gia cũng hướng dẫn các bậc cha, mẹ cách tiếp cận với con cái đang tuổi dậy thì. Đặc biệt là tiếp cận về giới, về tình dục và cách phòng tránh thai an toàn...

TS Mai Hoa đưa ra các dấu hiệu của sức khỏe trong vấn đề sức khỏe hậu Covid -19 và hướng giải quyết, khắc phục phù hợp cho chị em phụ nữ tại lớp bồi dưỡng.

Dương Thùy