Không học đại học vì khó khăn, chàng trai kiếm tiền tỷ từ bữa cơm mẹ nấu
(Dân trí) - Sau 4 năm xa nhà sống ở Hà Nội vất vả mưu sinh, Hùng bị đau dạ dày vì ăn uống thất thường. Thèm bữa cơm mẹ nấu, anh về quê quay video lưu giữ kỷ niệm, không ngờ lại trở thành bước ngoặt cuộc đời.
Khởi nghiệp và đổi đời vì nhớ những bữa cơm mẹ nấu
Khi phóng viên Dân trí liên hệ với Đồng Văn Hùng, chàng trai 28 tuổi quê ở Thái Nguyên cho biết đang bận đi chăn vịt.
Vừa được Forbes bầu chọn là Youtuber ẩm thực duy nhất ở Việt Nam lọt Top 30 "Danh sách gương mặt trẻ nổi bật châu Á", Hùng bất ngờ và tự hào, nhưng công việc mỗi ngày vẫn không thay đổi. Anh quẩn quanh với việc làm nông, tăng gia sản xuất, quay video rồi chỉnh sửa đăng tải lên kênh cá nhân "Ẩm thực mẹ làm".
"Để có ngày hôm nay là cả một hành trình dài vất vả phấn đấu, đánh đổi cả sức khỏe nên tôi rất trân trọng những gì có được", Hùng tâm sự.
Học xong lớp 12 vào năm 2014, khác với nhiều bạn đồng trang lứa tiếp tục học lên đại học, Hùng chỉ nghĩ cách nào kiếm tiền thật nhanh để hỗ trợ cho gia đình bớt khổ.
Hùng sống cùng bà ngoại và mẹ nên muốn đi làm kinh tế để phụ giúp gia đình từ sớm. Ở căn nhà cũ cấp 4 lợp mái ngói mỗi khi trời mưa lại ẩm ướt, chàng trai trẻ mong sớm kiếm được khoản tiền xây nhà báo hiếu, mong bà và mẹ có nơi ở khang trang hơn.
Hết cấp 3, Hùng xuống Bắc Ninh xin làm công nhân cho một công ty điện tử với mức lương tăng ca tối đa mỗi tháng nhận về khoảng 5-7 triệu đồng. Sau hơn một năm làm công nhân, đầu năm 2016, anh tích cóp được khoản tiền nhỏ nên quyết định xuống Hà Nội theo đuổi niềm đam mê chụp ảnh.
"Từ năm cấp 3 tôi đã mày mò những phần mềm chỉnh sửa ảnh và thích lắm. Mãi sau khi có khoản tiền mua máy ảnh, tôi mới dám quyết định bỏ nghề công nhân để theo đuổi hướng riêng", Hùng bộc bạch.
Chân ướt chân ráo tới thủ đô, Hùng may mắn gặp được một người anh hỗ trợ hết lòng. Người anh cũng là thợ chụp ảnh tự do. Biết Hùng vất vả, anh giúp đỡ rất vô tư mà không lấy học phí.
Vì đam mê nên chàng trai Thái Nguyên "vào nghề" rất nhanh. Năm 2016, anh bắt đầu theo đuổi nghề chụp ảnh. Gần 4 năm lăn lộn, Hùng không nề hà công việc vất vả giữa nắng nóng hay mưa rét. Có đợt chụp ảnh ngoài đầm sen, khách đặt lịch chụp sớm, Hùng phải có mặt từ 5h chưa kịp ăn sáng nên mấy bận suýt ngất vì nắng và đói.
Nghề chụp ảnh mang lại nguồn thu ổn. Hùng cho biết, nghề này chỉ cần chăm chỉ không ngại khổ thì không lo đói. Anh thường bắt đầu công việc từ 5h sáng và làm tới đêm muộn. Về phòng trọ, anh lọ mọ chỉnh sửa tới 2-3h đêm.
Nhưng cũng vì lao vào công việc kiếm tiền như thiêu thân, anh không còn thời gian chăm sóc bản thân, thường xuyên cơm hàng cháo chợ. Ăn uống thất thường do tính chất công việc khiến anh phải đi điều trị đau dạ dày một thời gian. Thời điểm đó, anh thấy bắt đầu lo cho sức khỏe và nghĩ nếu cứ kéo dài mãi tình trạng này mãi sẽ không ổn.
Mỗi lần ăn tạm bữa cơm bụi, Hùng lại bồi hồi nhớ về những bữa cơm mẹ nấu. Chỉ là cơm quê giản dị chẳng có món sơn hào hải vị, nhưng hương vị mộc mạc khiến người con xa nhà nhớ cồn cào.
Cuối tháng 2/2019, một lần về quê, Hùng sà vào mâm cơm được mẹ chuẩn bị sẵn. Anh háo hức chụp lại khoảnh khắc bên mâm cơm và chia sẻ lên trang cá nhân với mục đích lưu giữ kỷ niệm, nhưng không ngờ nhận được sự chú ý từ cộng đồng mạng. Nhiều người nhắn tin khích lệ anh đăng tải thêm nhiều video về bữa cơm quê. Video hình ảnh của Hùng gợi nhớ ký ức tuổi thơ ở nông thôn của nhiều người, tạo nên sự đồng cảm lớn.
Chỉ trong vòng 3 tháng, kênh cá nhân của anh nhận được 100.000 người theo dõi và nhận về nút bạc Youtube. Hùng nhận thấy cơ hội mới trong công việc. Dù kênh chưa kiếm ra tiền nhưng anh quyết định đầu tư nội dung và hình ảnh chỉn chu hơn.
Nội dung của kênh chủ yếu xoay quanh những bữa cơm của mẹ và cuộc sống dân dã vùng thôn quê. Trong đó, bà Cường (mẹ Hùng) là nhân vật chính.
Người phụ nữ nông thôn vốn lam lũ chưa từng biết tới máy quay, mạng xã hội là gì, nhưng biết con đường con theo đuổi, bà Cường hết lòng ủng hộ.
Bối cảnh quay của video thực hiện tại gian nhà cũ cấp 4 với những mâm cơm đậm chất quê, từ cơm lam chấm muối lạc, rau lang xào tỏi cho tới măng luộc chấm tương...
"Ban đầu tôi chưa hề có ý tưởng xây kênh mà chỉ quay những video về bữa cơm của mẹ rồi chia sẻ nhưng không ngờ nhận được sự lan tỏa lớn trên mạng xã hội. Sau đó, mọi thứ đến rất tự nhiên và tôi quyết định đây là hướng đi cho sự nghiệp của mình", Hùng nói.
Sau nửa năm xây kênh, Hùng nhận được khoản tiền đầu tiên từ Youtube, khoảng 5-6 triệu đồng/tháng.
Xây kênh bằng nội dung "sạch", không nhận quảng cáo bất chấp
Khi kênh cá nhân phát triển, Hùng quyết định về quê định cư lập nghiệp, cùng mẹ làm video. Hai mẹ con gắn bó công việc từ tháng 3/2019 đến nay. Mặc dù vậy, Hùng đôi lúc vẫn có khách quen gọi chụp ảnh nên thỉnh thoảng anh đi xe lên Hà Nội cho đỡ nhớ nghề.
Là "tay ngang" nên lúc bắt đầu tiếp xúc với máy quay, góc quay đều là những điều mới mẻ với Hùng. Anh phải lên mạng tự mày mò chắt lọc kinh nghiệm từng chút một. Để mang tới cho người xem những video chất lượng, anh quay chụp và chỉnh sửa cẩn thận. Mỗi tháng Hùng chỉ lên khoảng 2-3 video chứ không đưa ra số lượng ồ ạt.
Dù là những video ghi lại bữa cơm đời thường nhưng việc ghi hình tốn nhiều thời gian. Để hoàn thiện một video nhanh nhất cũng mất một tuần, thậm chí 5-6 tháng nếu kỳ công. Nguyên liệu các món ăn được bà Cường tự tay chuẩn bị, hái từ vườn nhà và chế biến.
Có những hôm trời nắng nóng 40 độ C, hai mẹ con loay hoay trong căn bếp rơm xây kiểu cổ nên mùi rơm rạ bốc lên nóng hầm hập. Tuy vậy, do không được bật quạt khiến nhân vật chính lẫn người quay đều mệt nhoài mới xong.
Đến nay, trên nhiều nền tảng mạng xã hội, "Ẩm thực mẹ làm" thu hút khoảng 2 triệu lượt theo dõi. Là người xây dựng từ ngày đầu, bản thân Hùng rất bất ngờ vì không nghĩ chỉ quay những món ăn nông thôn lại truyền cảm hứng như vậy.
Ngay cả khi được nhiều người biết tới, anh vẫn giữ nguyên tâm niệm như ngày đầu, muốn kênh của mình đi theo hướng mộc mạc như chính các món ăn của mẹ, không nhận quảng cáo bất chấp.
"Khi mẹ biết tôi nằm trong danh sách bình chọn của Forbes, bà cũng phấn khởi lắm nhưng vẫn đi cắt lúa như bình thường. Cho dù nhận thành tích nào thì cuộc sống gia đình tôi vẫn giản dị như thế. Chắc chắn về lâu dài, tôi vẫn định hướng làm nội dung kênh một cách bình dị để người xem có tâm thế thoải mái. Đó là cách tôi giữ nét riêng cho kênh của mình với việc thương mại hóa", chàng trai Thái Nguyên chia sẻ.
"Làm Youtube giống như một nghề kiếm ra tiền không kém gì nghề khác"
Sau gần 8 năm tích cóp từ nhiều nghề, năm 2020 Hùng có khoản tiền đủ để xây nhà. Anh bàn với mẹ giữ nguyên nếp nhà cũ là nơi gia đình lưu giữ kỷ niệm đồng thời là bối cảnh của nhiều video. Thay vào đó, anh xây trên mảnh đất bên ngoài được bà ngoại cho với diện tích mặt sàn 100m2 xây 4 tầng.
Do xây đúng thời điểm đại dịch nên phải hơn 2 năm mới hoàn thành. Tổng chi phí xây dựng gần 3 tỷ đồng. Đây cũng là món quà báo hiếu mà Hùng ấp ủ từ rất lâu để dành tặng cho những người thân yêu.
"Nếu không chuyển hướng làm Youtube, không biết tới bao giờ tôi mới kiếm đủ tiền để thực hiện điều này", anh bộc bạch.
Chàng trai sinh năm 1996 nhận định, làm Youtube cũng giống như một nghề mới để kiếm tiền, mang lại nguồn thu không kém gì công việc mới, tạo cơ hội cho nhiều bạn trẻ chưa biết làm gì có thể thử sức.
Theo anh, những bạn trẻ khi muốn theo nghề này cần định hướng sẵn cho mình nội dung theo đuổi. Anh quan niệm không chạy theo đồng tiền để xây kênh bất chấp, tạo nội dung phản cảm trên không gian mạng nếu muốn làm dài hơi.
"Từ ngày làm kênh, các thành viên trong gia đình tôi được nhiều người biết tới và xin chụp ảnh cùng. Cuộc sống cũng nhờ đó thay đổi theo chiều hướng tích cực. Mặc dù vậy, tôi vẫn giữ nếp sống bình dị ở quê nhà và mong muốn tạo thêm nhiều video ý nghĩa, gợi nhớ những ký ức đẹp về thôn quê tới người xem", anh tâm sự.