"Không để sót đối tượng hỗ trợ, trục lợi chính sách"

Đăng Đức Vi Thảo

(Dân trí) - Làm việc với tỉnh Quảng Trị về công tác hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, phải đảm bảo không bỏ sót đối tượng, tuy nhiên tránh trục lợi chính sách.

Chiều 29/10, Đoàn công tác Bộ LĐ-TB&XH do Thứ trưởng Lê Tấn Dũng làm trưởng đoàn đã kiểm tra, làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị về công tác hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, theo Nghị quyết 68/NQ-CP (NQ 68) và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg (QĐ 23). 

Báo cáo với Đoàn công tác, ông Lê Nguyên Hồng - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị - cho biết, sau khi NQ 68 và QĐ 23 được ban hành, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các Sở, ban ngành, các địa phương quyết liệt triển khai để nhanh chóng đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Không để sót đối tượng hỗ trợ, trục lợi chính sách - 1

Đoàn công tác Bộ LĐ-TB&XH do Thứ trưởng Lê Tấn Dũng làm trưởng đoàn đã kiểm tra, làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị (Ảnh: V.T).

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị, đến nay hầu hết các chính sách đã được địa phương triển khai và nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của đối tượng. Tuy vậy, chỉ còn chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đến nay chưa có hồ sơ phát sinh.

Cụ thể, tính đến ngày 27/10, Quảng Trị đã giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho gần 1.500 đơn vị, với số lượng hơn 27.100 người; số tiền được giảm đóng hơn 2,65 tỷ đồng; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 1 đơn vị với 83 người.

Không để sót đối tượng hỗ trợ, trục lợi chính sách - 2

Theo ông Lê Nguyên Hồng - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, đến nay hầu hết các chính sách đã được Quảng Trị triển khai và nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của đối tượng (Ảnh: V.T).

BHXH tỉnh Quảng Trị đã thực hiện giảm mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 1.450 đơn vị, tương ứng với 27.200 người, với số tiền hơn 16 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

UBND Quảng Trị đã có quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho hơn 500 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại 31 đơn vị, doanh nghiệp, với số tiền hỗ trợ hơn 2,1 tỷ đồng; hỗ trợ cho 29 người lao động ngừng việc tại 5 đơn vị, doanh nghiệp; có 440 lao động tự do tại Quảng Trị được hỗ trợ, với số tiền là 660 triệu đồng…

Không để sót đối tượng hỗ trợ, trục lợi chính sách - 3

Ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc hỗ trợ đã triển khai kịp thời, đúng đối tượng (Ảnh: V.T).

Theo ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã kịp thời, đúng đối tượng, góp phần chia sẻ khó khăn, ổn định cuộc sống của nhân dân, người lao động, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng ghi nhận những nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Quảng Trị. Việc kiểm soát được dịch bệnh đã bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ sức khỏe của người dân.

Không để sót đối tượng hỗ trợ, trục lợi chính sách - 4

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng lưu ý, không được để sót đối tượng hỗ trợ, tránh trục lợi chính sách (Ảnh: V.T).

"Quảng Trị tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19, đối tượng nào đã rõ ràng thì phải chi ngay, không để người dân chờ đợi lâu, tránh phát sinh các tiêu cực không đáng có.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền, để người lao động, doanh nghiệp nắm bắt chính sách, tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Đồng thời, cần rà soát lại đối tượng để đảm bảo không bỏ sót, làm sai đối tượng được hỗ trợ, tránh tình trạng trục lợi chính sách", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng lưu ý.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề nghị Quảng Trị tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội; kêu gọi nhà đầu tư, xây dựng các khu kinh tế, công nghiệp, phát triển doanh nghiệp.

Đồng thời, tổ chức lại hệ thống đào tạo nghề, tạo nên sự đột phá về nguồn nhân lực, bảo đảm nguồn cung lao động chất lượng cao cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai, giải quyết việc làm bền vững lâu dài cho người dân.