Khoe gửi vùng lũ 100 triệu, thực chi 100.000 đồng: Đùa cợt nỗi đau đồng bào

Nguyễn Vy Hoa Lê

(Dân trí) - "Sự phông bạt, đùa cợt của tôi là kệch cỡm và vô ý thức trong hoàn cảnh này" là lời xin lỗi muộn của một người nổi tiếng trên mạng khi bị phát hiện làm giả hóa đơn chuyển tiền ủng hộ đồng bào vùng lũ.

Những lời thú tội muộn màng

Từ khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố danh sách sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi), cư dân mạng đã bóc mẽ nhiều trường hợp làm giả hóa đơn chuyển tiền, với số tiền thực chuyển thấp hơn nhiều so với con số khoe trên mạng xã hội. Không ít chuyện dở khóc, dở cười đã xảy ra khi hàng loạt người đăng tin xin lỗi vì những trò "phông bạt" của mình.

Khoe gửi vùng lũ 100 triệu, thực chi 100.000 đồng: Đùa cợt nỗi đau đồng bào - 1

Chủ tài khoản mạng xã hội khoe ủng hộ đồng bào vùng lũ 100 triệu đồng, nhưng thực chuyển chỉ 100.000 đồng (Ảnh chụp màn hình).

Gần đây nhất, người được cho là bác sĩ của một bệnh viện tại TPHCM đã khiến cộng đồng mạng phẫn nộ khi làm giả hóa đơn chuyển khoản ủng hộ đồng bào vùng lũ.

Trước khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố bản sao kê, người này đã đăng bài lên mạng xã hội với nội dung: "Stop talking and star acting" (ngừng nói và hãy hành động), kèm theo ảnh chụp màn hình hóa đơn chuyển khoản đến tài khoản Ban cứu trợ - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với số tiền 100 triệu đồng. Ở phần nội dung chuyển khoản, người này còn ghi chú: "P.H.H. ung ho khac phuc hau qua bao so 3".

Tuy nhiên, đối chiếu với bản sao kê do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố có thể thấy, thực tế, người này chỉ chuyển 100.000 đồng. Khi thấy dư luận giận dữ, người này mới đăng bài xin lỗi và thừa nhận lối sống "phông bạt" của mình.

Đồng thời, người này cũng thông báo đã chuyển đủ 10 triệu đồng vào tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để chuộc lỗi. Tuy nhiên, tính xác thực của hóa đơn chuyển khoản này vẫn chưa được làm rõ.

Tài khoản mạng xã hội của Y.T., một ca sỹ nổi tiếng, cũng vừa đăng bài thú nhận hành vi làm giả hóa đơn chuyển khoản. Trước đó, ca sỹ này khoe chuyển khoản tới tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số tiền hàng trăm triệu đồng (dãy số dài 9 số, che chữ số đầu tiên) với ảnh chụp màn hình giao dịch  khiến cư dân mạng xôn xao.

Khoe gửi vùng lũ 100 triệu, thực chi 100.000 đồng: Đùa cợt nỗi đau đồng bào - 2

Nữ ca sỹ nổi tiếng khoe ủng hộ đồng bào vùng lũ cả trăm triệu đồng phải xin lỗi và thừa nhận việc làm giả hóa đơn chuyển khoản (Ảnh chụp màn hình).

Kết quả kiểm tra danh sách sao kê ngày 11/9 cho thấy ca sỹ chỉ chuyển khoản 2 lần, với tổng số tiền 5,5 triệu đồng. Ngày 16/9, cô gái đăng bài xin lỗi và thừa nhận hành vi làm giả hóa đơn chuyển khoản.

Người này giải thích cô đã có 3 lần chuyển khoản, trong đó hai lần đầu chuyển tổng số tiền 5,5 triệu đồng vào ngày 11/9 và thêm 20 triệu đồng vào ngày 13/9 (chưa được xác thực).

"Cái sai của tôi là fake màn hình (làm giả hóa đơn chuyển khoản), mục đích là để người cho tôi ứng tiền biết được là tôi có ủng hộ và nếu có xin ứng thêm các bên khác cũng sẽ có cơ sở để họ nhìn vào. Tôi chưa bao giờ có ý định nhận bản thân đã quyên góp số tiền đó. Những gì tôi sai, tôi xin nhận lỗi và mong mọi người hãy hiểu cho tấm lòng của tôi. Đây cũng là bài học lớn để tôi rút kinh nghiệm hơn", người này viết.

Tẩy chay lối sống vụ lợi, "phông bạt"

PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, trong thời gian rất ngắn, doanh nghiệp, người dân chuyển tiền ủng hộ đến tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã lên đến 1.236 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn, thể hiện trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt Nam trong hoàn cảnh khó khăn, thiên tai.

Trong hàng triệu lượt chuyển khoản ủng hộ, xuất hiện một số cá nhân "phông bạt", đánh bóng tên tuổi của mình trước nỗi đau, mất mát của đồng bào. Họ thực hiện việc chỉnh sửa nội dung chuyển khoản, bôi vẽ con số, lấp lửng che che, đậy đậy rồi chia sẻ trên mạng xã hội để tăng sự tò mò của cộng đồng.

Theo ông Trung, chuyện không ủng hộ, hoặc ủng hộ rất ít so với số tiền được chỉnh sửa, mang đi khoe mẽ là những hành động thể hiện ý thức, đạo đức kém, không trung thực.

Sau khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố sao kê, cộng đồng đã phát hiện những trường hợp thể hiện lối sống vụ lợi, làm màu, "phông bạt" này và lên án gay gắt. Trước những phản ứng của cộng đồng, một số người đã lên tiếng xin lỗi, tiếp thu ý kiến, gửi bổ sung cho đúng với số tiền đã khoe.

"Trước việc áp dụng công nghệ số, công khai số tiền đóng góp cũng như ủng hộ hiện nay đã tạo môi trường tốt để thông tin liên tục được cập nhật, minh bạch và có sự giám sát của toàn bộ người dân. Không chỉ là ủng hộ bằng vật chất, mỗi người có thể nêu ý kiến kiểm soát, soi xét, phát hiện được nhiều trường hợp khiếm khuyết", PGS.TS Phạm Ngọc Trung chia sẻ.

Luật sư Nguyễn Minh Dũng (Đoàn luật sư TP Cần Thơ) cho biết, việc sử dụng thủ thuật chỉnh sửa hình ảnh bill (hóa đơn) chuyển khoản ủng hộ không chỉ là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn vi phạm pháp luật. Theo luật sư, tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, hậu quả xảy ra mà người sửa hóa đơn chuyển tiền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi sửa hóa đơn chuyển tiền từ thiện đăng lên mạng xã hội gây khó khăn cho đơn vị tiếp nhận, ảnh hưởng đến hoạt động thống kê, phân phát tiền từ thiện thì người thực hiện hành vi này sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Tương tự, cá nhân có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội mà cố tình chỉnh sửa hình ảnh, thông tin chuyển khoản mà gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội cũng sẽ bị xem xét, cáo buộc theo Điều luật trên. 

Về hành chính, điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định, cá nhân sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.